Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: Nghệ sĩ là phải sáng tạo không ngừng

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.
TP - Khoảng 10 năm trước, cái tên Hoàng Quỳnh Mai còn quá xa lạ với khán giả yêu sân khấu. Lúc đó, dù đã nhiều năm theo nghề, chị dường như vẫn là một diễn viên không danh hiệu, chị chưa có gì và chưa là gì đáng để giới truyền thông phải chú ý. Vậy mà chỉ chưa đầy một thập kỷ, chị đã lập được một thành tích đáng kể mà người khác có khi phải mất hai mươi năm.

Xuất thân là diễn viên cải lương, 17 tuổi đã được giao vai chính song Hoàng Quỳnh Mai chỉ thực sự nổi tiếng khi ra mắt “Cung phi Điểm Bích”, vở diễn đoạt giải nhất Cuộc thi tài năng đạo diễn sân khấu năm 2007, trở thành hiện tượng sân khấu thời gian đó và đã để lại dấu ấn khó quên trong sự nghiệp của Quỳnh Mai. Dưới bàn tay dàn dựng của chị, “Cung phi Điểm Bích” đã thoát khỏi những khuôn sáo ủy mị, được thổi vào hơi thở, sức hấp dẫn của con người hiện đại. Chị đã dành số điểm tuyệt đối và khiến các đồng nghiệp phương Nam, nơi vốn là cái nôi của Cải lương sửng sốt. Tác phẩm còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải vở diễn hay nhất trong năm. Tính đến nay, “Cung phi Điểm Bích” đã diễn đến hàng mấy trăm buổi trên tất cả sân khấu lớn nhỏ ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Vở diễn cũng giúp chị dành được giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội – một giải không có quá nhiều giá trị vật chất song vô cùng ý nghĩa.

Sau này, chị đạo diễn thêm nhiều vở diễn khác, trong đó cũng có không ít tác phẩm được giải nhất, nhì trong các Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp và giải thưởng của Hội NSSKVN. Năm 2009, trong Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, nữ đạo diễn trẻ lại xuất sắc vượt qua nhiều gương mặt tài năng để giành HCV cho vở diễn “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” – tác phẩm về cuộc đời người anh hùng Lý Thường Kiệt. Cách xây dựng nhân vật người anh hùng Lý Thường Kiệt sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì sự tồn vong của đất nước của Quỳnh Mai trong vở diễn này đã thuyết phục được Ban giám khảo. “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” đã mang về cho Nhà hát Cải lương Việt Nam tấm Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc nhất, và nhiều giải cá nhân cho các nghệ sĩ: Giải đạo diễn xuất sắc cho Hoàng Quỳnh Mai, 2 Huy chương Vàng cho nam nữ diễn viên chính, 1 Huy chương Bạc cho diễn viên vai thứ chính cùng giải thưởng cho người làm âm thanh, ánh sáng.

Năm 2012, trong số rất nhiều gương mặt đạo diễn của làng kịch nghệ, Hoàng Quỳnh Mai vẫn được các bậc thầy ở Hội NSSKVN quyết định trao giải đạo diễn của năm. Hai năm sau, tại Liên hoan nghệ thuật Sân khấu thủ đô, chị lại xuất sắc giành giải Vàng cho vở diễn “Hà Nội gió mùa”. Năm ngoái, tại Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu  cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, vở diễn “Vua thánh triều Lê” do Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn lại được xướng tên ở hạng mục HCV vở diễn. Vở “Sáng trong như ngọc một con người” của chị cũng được trao giải A của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, nữ đạo diễn tuổi thân này đã liên tiếp gặt được những mùa vàng. Chị được phong tặng danh hiệu NSƯT, rồi lại nhanh chóng được danh hiệu NSND, trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất nhận danh hiệu cao quý này.

Vốn là học sinh chuyên văn trường Phan Bội Châu, từng đoạt giải nhất văn của tỉnh Nghệ Tĩnh, ước mơ mà Hoàng Quỳnh Mai ấp ủ là trở thành một nhà báo. Nhưng Quỳnh Mai không gặp may vì kỳ thi năm đó chị bị thiếu một điểm. Trong lúc buồn, Quỳnh Mai nghĩ về cải lương, môn nghệ thuật chị yêu thích từ bé và quyết định chuyển hướng sang nghiệp ca hát. Ngay khi Quỳnh Mai đã thi đỗ vào khoa kịch hát dân tộc của trường sân khấu điện ảnh, các thầy giáo trường Phan Bội Châu vẫn còn tiếc: “Em chịu khó sang năm thi lại, chứ tư duy ấy mang đi ca hát thì phí lắm”. Nhưng sự khuyên can của các thầy và cả sự cấm đoán của cha mẹ cũng không khiến Quỳnh Mai thay đổi quyết định, dù lúc ấy, trở thành diễn viên vẫn là một điều mơ hồ với một cô gái miền Trung.

Năm 17 tuổi (năm 1986), Quỳnh Mai nổi tiếng khi vào vai một cô gái xinh đẹp nhưng bất hạnh trong tình yêu trong vở kịch “Cô gái Phù Tang” và trở thành gương mặt nổi bật của Nhà hát cải lương Trung Ương. Những ngày ấy, nhà chị lúc nào cũng ngập trong hoa, niềm vui như vô tận. Chị bảo, có khi một ngày phải diễn mấy suất. Son phấn không kịp tẩy nên da mặt tuổi dậy thì bị hỏng, đó là cái giá mà chị phải trả. “Nhưng tôi rất sung sướng vì được cống hiến đúng vào lúc cải lương hưng thịnh nhất, điều không phải ai cũng may mắn có được”.

Từ đó, Quỳnh Mai liên tiếp xuất hiện với vai đào chính trong những vở diễn tạo được tiếng vang như “Lôi vũ”, “Trái tim người chị”, “Thời con gái đã xa”, “Ân ái với kẻ giết người”, “Điều không thể mất”... của Nhà hát cải lương Trung Ương. “Tôi khóc rất nhiều vì các nhân vật trong những vở cải lương thường có những số phận bất hạnh, đến nỗi có lúc tôi nghĩ bất hạnh có thể sẽ vận vào người mình bất kể lúc nào” - Quỳnh Mai tâm sự.

Cứ thế, cho đến khi tuổi không còn son để bước lên sân khấu, chị quyết định chuyển sang học đạo diễn (năm 2001). Đó cũng là lúc khán giả bắt đầu quay lưng lại với cải lương. Môn nghệ thuật hưng thịnh một thời bị rơi vào khủng hoảng, nhiều đồng nghiệp bỏ nghề tìm cách khác kiếm miếng cơm manh áo. Quỳnh Mai rất trăn trở, mong muốn tìm cách nào đó để cải lương lại được sống trong lòng khán giả như ngày xưa. Chị xoay xở tìm kịch bản hay và dốc sức để đưa kịch bản ấy lên sàn diễn. Vở diễn tốt nghiệp “Truyền thuyết một tình yêu” được đông đảo đồng nghiệp khen ngợi, trở thành một trong những tiết mục ăn khách nhất của Nhà hát thời điểm đó.

Từ lâu, Hoàng Quỳnh Mai trở thành một đạo diễn “đắt sô”. Chị nhận được nhiều lời mời dựng vở từ các đoàn nghệ thuật Cải lương ở Hà Nội và các tỉnh. Sau “Gươm thiêng trao trả hồ thần” được giải ba của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2010, chị dựng thêm vở “Giọt đắng oan tình” cho đoàn cải lương Hoa Mai. Hai vở diễn đều khá ăn khách sau khi ra mắt khiến nhiều đoàn lại tiếp tục mời chị dựng vở mới. Nhưng Quỳnh Mai vẫn không vội vã. “Tôi không muốn chạy “sô” dù nó có thể giúp mình kiếm được nhiều tiền, không thể dàn dựng những vở diễn mà chính bản thân mình không hài lòng”, nữ đạo diễn tâm sự.

Vì thế, chị dựng vở rất chừng mực và chỉ bắt tay làm việc khi đã cảm thấy hài lòng với kịch bản. Những vở diễn do chị làm đạo diễn: “Nguồn sáng phía chân trời”, “Cổ tích một tình yêu”, “Người đàn bà 13 bến nước”… đều nhận được lời khen từ đồng nghiệp và giải thưởng trong các cuộc liên hoan, giải thưởng thường niên của Hội NSSKVN.

Dường như, Hoàng Quỳnh Mai đã có một cú chạy nước rút rất ngoạn mục. Đường đi nước bước của chị đều chuẩn xác, từng bước từng bước chứng tỏ bản thân. Chị đã trở thành một ngôi sao đích thực trong làng sân khấu cải lương không phải nhờ nhan sắc, tuổi trẻ, hay giọng ca mượt mà. “Tôi coi tất cả những gì mình đạt được là do tổ nghiệp thương, đã đền đáp lại những nỗ lực của tôi” - Quỳnh Mai tâm sự. Chị đã phải chịu nhiều áp lực bởi không bao giờ bằng lòng với chính mình.

Chị bảo, thế hệ của chị phải sống và làm sân khấu trong những điều kiện hết sức khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, khó khăn nhất là tình hình sân khấu đang mất dần khán giả, đặc biệt là sân khấu kịch hát dân tộc. Ai cũng biết, không có khán giả thì không còn sân khấu. Vì thế, bằng mọi cách sân khấu phải lấy lại khán giả. Nhưng làm cách nào? Chị đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm những kịch bản hay, suy nghĩ nát óc để chọn cách thể hiện tốt nhất nhằm thuyết phục người xem. Và thực sự, Quỳnh Mai đã làm được. Ở sân khấu cải lương, chị có lượng fan riêng, họ thích xem những vở diễn được dàn dựng dưới bàn tay của nữ đạo diễn này bởi một chất gì đó rất riêng. Chị bộc bạch, thời buổi này, sân khấu nói chung và kịch hát truyền thống nói riêng không tránh khỏi khốn khó, nhưng từ khó khăn, mình mới vươn lên, cố gắng hết sức, cháy hết mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chị bảo, cuộc đời người nghệ sĩ là cống hiến, là sáng tạo không ngừng nghỉ, kể cả khi đã được phong tặng danh hiệu cao quý nhất.

MỚI - NÓNG