> Lộ ra một công trình đạo văn
Ông thương binh Thi Công Liêm (Bảy Liêm), Trung đội trưởng Trung đội 1 của Đại đội địa phương quân Hồng Ngự những năm chiến tranh, nay ở ấp 3, xã Thường Phước 2 (Hồng Ngự, Đồng Tháp).
Tham gia hầu hết các trận đánh của Đại đội địa phương quân Hồng Ngự, ông Bảy Liêm còn khỏe mạnh, minh mẫn nên là một nhân chứng lịch sử quý giá trong những người tuổi cao, sức yếu (có người ngoài 90 tuổi).
Nhưng ông Bảy Liêm cho biết, chỉ có ông Trần Minh Tạo đến gặp ông, còn những người làm “Biên niên sự kiện lịch sử Đại đội địa phương quân Hồng Ngự” không hề gặp ông. Thành thử, khi đạo văn của ông Tạo, “Biên niên sự kiện lịch sử” đạo luôn cả những sai sót.
Sai sót chủ yếu ở tên người, tên đất, một số chi tiết trận đánh, theo ông Bảy Liêm thì bài ký của ông Tạo “còn chưa chính xác khoảng 20%”.
Về những sai sót, ông Tạo thừa nhận, vì ghi chép lại những sự kiện xảy ra đã lâu trong điều kiện có rất nhiều thay đổi.
“Nên viết xong, tôi đưa bản thảo cho ông Lê Văn Nguyễn, Trưởng ban Liên lạc Đại đội địa phương quân Hồng Ngự, đề nghị chỉnh sửa thêm cho chính xác”, ông Tạo nói “nhưng bản thảo lại được chuyển tới mấy ông cán bộ tuyên giáo âm thầm xào nấu để thực hiện hợp đồng lấy tiền”.
Bức xúc của ông Bảy Liêm còn ở chỗ, gọi là “Biên niên sự kiện lịch sử” nhưng quá phụ thuộc vào bài ký về 14 trận đánh tiêu biểu do ông Tạo viết trước đó, nên còn sót nhiều trận đánh khác.
Chẳng hạn, trận lấy đồn Kinh Thầy Ba Càng. Quân ta vây đồn cả tuần chưa đánh được, đêm ấy ông Bảy Liêm và hai người khác được cử cắt dây thép gai, bò vào để đánh từ trong ra, nhưng lọt vào trong lại đúng lúc quân địch sợ hãi nên kéo nhau ra nằm cả bên ngoài, thế là các ông chiếm luôn đồn địch.
Hoặc trận đánh của trung đội ông Bảy Liêm, diệt gọn một trung đội thám báo địch ở Cai Vàng, làm rúng động địa phương lúc bấy giờ.
Càng bức xúc hơn, những sai sót do đạo văn, các cựu chiến binh phát hiện và có ý kiến nhưng không được lắng nghe.
Điển hình ở buổi hội thảo về “Biên niên sự kiện lịch sử” được tổ chức giữa tháng 5 ở huyện Hồng Ngự, ông Bảy Liêm và ông Hồng Rỗ (cựu trung đội trưởng), ông Hai Sắc (cựu huyện đội phó) được mời dự nhưng không được phát biểu.
Các ông nói còn có nhiều sai sót, xin phát biểu ngắn thôi, nhưng cán bộ chủ trì hội thảo bảo thời gian ngắn nên không cho phát biểu.
“Biên niên sự kiện lịch sử”, biên tập là ông Trần Đức Hiển (Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp) và ông Lê Xuân Thành (nguyên Trưởng phòng Lịch sử thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện là Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp).
Trình bày và sửa bản in là ông Phạm Hải Ất (Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồng Ngự). Tập tài liệu thực hiện theo “Hợp đồng Đối tác sưu tầm và biên soạn” ký ngày 11-7-2011, giữa Tổ biên niên sự kiện lịch sử và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồng Ngự.
Số tiền thực hiện, bước đầu được ba địa phương liên quan góp 210 triệu đồng.
Sở TT-TT tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn yêu cầu Ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp “có trách nhiệm trả lời cho ông Trần Minh Tạo theo quy định của pháp luật”. Đó là việc ông Lê Xuân Thành lấy một phần trong “Biên niên sự kiện lịch sử Đại đội địa phương quân Hồng Ngự”, đạo văn của ông Tạo, viết một bài đề tên ông Thành, đăng trong Tạp chí số 36-tháng 4-2012. |