Đánh vợ là dại!

Đánh vợ là dại!
Một câu chuyện quen thuộc về thân phận người phụ nữ trong gia đình được đã kể tại tọa đàm "Phòng chống bạo lực gia đình không thể thành công nếu không có nam giới" diễn ra hôm 20-11, tại số 20, Thụy Khuê, Hà Nội.

1. Một câu chuyện quen thuộc về thân phận người phụ nữ trong gia đình được kể tại tọa đàm "Phòng chống bạo lực gia đình không thể thành công nếu không có nam giới" diễn ra hôm qua, tại số 20, Thụy Khuê, Hà Nội: Thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương- Thái Bình).

Trong cơn gió lạnh buốt xương, chị Phạm Thị Hạ bùi ngùi ôm con khóc nơi góc bếp trống hoác. Nhà trên là chồng chị đang ngủ vùi trong cơn say sau khi đã trút không biết bao trận đòn lên cơ thể người vợ gầy gò. Ngày nối đêm, đêm nối ngày, cuộc sống trong ngôi nhà lạnh lẽo cứ thế trôi...

Hơn 10 năm trôi qua, cuộc sống có nhiều điều đổi khác. Và chồng chị Hạ - người tự nhân là "người đánh vợ nhiều nhất thị trấn Thanh Nê"- nay đã thành một tuyên truyền viên phòng chống bạo lực gia đình.

Quần áo đóng thùng, cầm tay vợ, ra mặt ở một buổi tọa đàm lớn mãi tít thủ đô, khi kể lại những tháng ngày đó, anh không giấu nổi giọt nước mắt: "Mình thấy đánh vợ là dại lắm.

Vợ bên mình, làm lụng, chăm con cùng mình mà cứ bực tức chuyện gì cũng đánh, hay không có việc gì làm cũng đánh. Nghĩ lại mình sai quá rồi. Nên giờ mình quyết tâm sửa bằng cách vận động anh em trong ngõ cùng hiểu cái sai mà cư xử cho đúng. Đấy là chưa kể đánh nhỡ tay vợ bị làm sao thì áy náy cả đời".

Cũng không phải tự nhiên, chồng chị Hạ thay đổi được như vậy. Nhớ về những tháng ngày ấy, chị Vũ Thị Tôn, Chủ tịch Hội Phụ nữ địa phương, bùi ngùi: "Ngày đầu vào vận động anh ấy khó lắm. Lúc say thì anh ấy nhất định không ra mở cổng. Lúc tỉnh thì anh ấy còn thả chó ra. Sau thấy tôi dọa đến luật, anh ấy mới ra tiếp chuyện. Từ đó về sau cứ tỉ tê rồi vào học cả lớp "những người chồng đảm đang", một "lớp học" nhỏ do Hội Phụ nữ địa phương tạo nên để dạy... làm chồng, nên dần dà anh ấy đổi tính đổi nết được như này".

"Mỗi tối thứ Bảy7, "lớp học làm chồng" của thị trấn Thanh Nê thu hút 40 - 50 anh em. "Khi anh em cùng chia sẻ, cùng tháo gỡ cho nhau, họ lại trở về hiền như cục đất ấy" - chị Tôn chia sẻ.

2. Cũng nên nhắc lại, theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 34% số phụ nữ đã có gia đình bị chồng bạo hành (tức là trung bình cứ 3 người phụ nữ đã kết hôn có một người đã từng bị chồng bạo hành).

Tuy nhiên, đa phần nạn nhân vẫn im lặng dù năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống Bạo lực gia đình. Sự im lặng có nhiều lý do nhưng tựu trung lại là sự yếu mềm và lòng vị tha của người phụ nữ - những đức tính đáng được yêu và đáng để đàn ông yêu.

Vấn đề thay đổi trong tư duy và cách ứng xử trong gia đình là rất bức thiết. Và thực chất, đó chỉ là việc làm đúng cách để đàn ông Việt Nam quay về với bản chất thật của mình.

Nói như ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Truyền thống văn hóa Việt Nam là bình đẳng. Chẳng thế mà cha ông vẫn nhắc nhở nhau: Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, lệnh ông không bằng cồng bà... Những tàn dư của thứ quan niệm "trọng nam khinh nữ", "quyền huynh thế phụ" dần dần sẽ bị xã hội "đuổi cùng diệt tận" như câu chuyện của thị trấn Thanh Nê.

Kết thúc tọa đàm, trước khi ra về, tôi cho vợ chồng chị Hạ xem ảnh và hỏi anh có cần làm mờ mặt và viết tắt tên mình khi lên báo, chồng chị Hạ dõng dạc: "Nhà báo cứ ghi cả họ tên mình là Vũ Văn Yên, thôn Giang Đông, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương, Thái Bình) đã từng ngược đãi vợ. Giờ mình về lại với tính tình vốn có, lại yêu thương vợ hết lòng" .

Theo Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG