Quảng cáo phở Cồ Nam Định ở Điện Biên. |
Nhà hàng đánh bóng bằng các chiêu khuyến mãi, nghệ sĩ đánh bóng bằng xì-căng-đan, siêu mẫu siêu sao thì đánh bóng bằng lộ hàng, hot gì đấy. Nói chung giờ là thời đại kinh doanh theo phương châm có ít xít ra nhiều hòng thu lợi tối đa trên cái khả năng tối thiểu.
Trong ngành dịch vụ ăn uống chẳng hạn: Phở Bát Đàn chỉ có một, nhưng phở Thìn thì nhân đôi nhân ba. Có một anh phở khác xưng danh Phở Cồ Nam Định, nay ở Hà Nội cũng có đến vài địa chỉ phở Cồ.
Nghệ thuật đánh bóng có nhiều chiêu , nhưng rồi để được lâu dài vẫn là phải là thực chứ không thể đánh chiêng khua mõ là xong. Người xưa đã dặn dò mua danh ba vạn / bán danh ba đồng để khuyên những phường ăn xổi vì những cái lợi cỏn con dễ làm mất danh tiếng, mất đi thương hiệu. Ví dụ khi phở Thìn nhân lên vài cái tên thì người ăn bắt đầu nghi, phở họ Cồ cũng vậy, nhất là với người sành ăn.
Nhưng cái lợi hay làm mờ mắt kẻ kinh doanh cò con. Khi tranh tối tranh sáng, pháp luật về bản quyền chưa được thực thi thì nhiều kẻ bất chấp tất cả. Để kiếm chác, họ sẵn sàng nhái, mua thương hiệu, nên của giả mới nhan nhản gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
2- Ngay trước nhà khách tỉnh ủy Điện Biên, con đường mang tên Nguyễn Chí Thanh tập trung mấy cửa hàng ăn uống. Hôm mồng bốn tết chúng tôi vào đó, sáng mắt bắt gặp “Phở họ CỒ, gia truyền Nam Định” biển to đĩnh đạc. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Thì ra con gà cồ này đi kiếm ăn khắp nơi.
Nhưng rồi thấy ngay cái lạ khi nhìn hai vế để trước cửa hàng “Cơm rang phở mì xào”/ Cháo món đêm đặc biệt” Đối không ra đối, và điều quan trọng là “Phở họ Cồ chính hiệu” đã thành cửa hàng thập cẩm rồi.
Chúng tôi gọi cơm. Món ăn có ngồng cải luộc, lòng lợn xào dưa, thịt bò xào cần, trứng rán. Toàn những món không nằm trong mặt hàng gia truyền. Thế mà mâm cơm ấy trị giá năm trăm bảy mươi ngàn, khi mà bò xào rau cần chỉ hơn lạng thịt, nồi cơm giá một trăm hai mươi ngàn cho bảy lưng bát, và chục quả trứng gà có giá tám mươi ngàn.
Danh tiếng Phở họ Cồ bỗng biến thành tai tiếng.
Có kẻ nghe thấy tiếng kêu ca giá bữa ăn của thương hiệu họ Cồ chọc tiết khách hàng, liền kể câu chuyện bên Tàu: Ta nghe giống quýt Giang Nam ngọt, nhưng mang lên Giang Bắc trồng thì chua. Vậy là tại thổ ngơi. Phở họ Cồ ở Hà Nội ngon, giá không cồ, nhưng lên Điện Biên thì thành gà cồ đầy sát khí với du khách, thì cũng là tại thổ ngơi vậy thay!Vậy đấy, danh tiếng khi xa cái gốc của nó thì thành tai tiếng cũng dễ như bỡn.