Đánh thuế để tránh đầu cơ

"Biệt thự ma" ở một khu đô thị
"Biệt thự ma" ở một khu đô thị
TP - Các chuyên gia cho rằng, thuế tài sản là một yếu tố góp phần phòng chống đầu cơ, tham nhũng liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, không thể chỉ dùng mỗi thuế tài sản để kiểm soát tham nhũng, mà còn phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ khác nữa.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trước đây, từ thời ông Nguyễn Trần Nam làm thứ trưởng có đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang. Tuy nhiên, đến nay việc này chưa thực hiện được.

Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 5/2019, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản. Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn. Theo đó, sẽ đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.

Hồi đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã công bố đề xuất về Dự thảo Luật Thuế tài sản. Theo đó, các tài sản như: đất ở, đất sản xuất, đất kinh doanh phi nông nghiệp; nhà ở và công trình thương mại dịch vụ; tàu bay, du thuyền, ô tô... sẽ thuộc diện chịu thuế.

Theo tính toán, với ngưỡng tính thuế tài sản 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đang “ưu tiên” đề xuất, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế tài sản mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng, kéo theo mức chi tiêu của hộ gia đình giảm đi 638.000 đồng; nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi 851.000 đồng. Với phương án này, mỗi năm ngân sách thu được gần 30.000 tỷ đồng.

Ngay khi vừa công bố, dự thảo này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, Chính phủ cũng chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản. Đến nay, Dự án Luật này cũng chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội. Hiện Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan để tập hợp trình Chính phủ xem xét.

Theo đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu thì có rất nhiều, nhưng phải thấy rằng mục tiêu lớn nhất của thuế với tài sản là nhà đất không phải để nhằm tăng thu ngân sách mà nhằm giải quyết vấn đề về công bằng xã hội, về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo được của quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có sự bức xúc về tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai. Do đó, có thể nói thuế tài sản là một yếu tố góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng không thể chỉ dùng mỗi thuế tài sản để kiểm soát tham nhũng, mà còn phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ khác nữa.

Để nhận được sự đồng thuận trong xã hội đối với dự thảo này, theo ông Cường, cần giải trình nguồn thu, chi minh bạch, đầu tư cho những công trình gì. Khi người dân nhận thức được rõ hiệu quả của nguồn thu này thì họ sẽ sẵn lòng hơn trong chấp hành nghĩa vụ thuế.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.