Giữ tiếng khèn Mông
Chúng tôi tìm đến nhà ông Cứ A Sang (thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu) một nghệ nhân chế tác khèn Mông nổi tiếng ở huyện Trạm Tấu. Theo giới thiệu, ông Sang là một trong hai nghệ nhân trên địa bàn huyện Trạm Tấu duy trì nghề làm khèn nhiều năm nay. Người còn lại, cao tuổi hơn ông Sang, hiện đang cư trú ở xã khác, tuy nhiên, do sức khỏe yếu, thành ra, ông Sang được coi như người còn lại duy nhất của huyện chế tác được khèn Mông. Cũng vì thế, ông quá tải vì người trong huyện đặt hàng nhiều quá, không đủ thời gian làm.
Mở cửa sổ để ánh sáng chiếu vào một góc căn gỗ truyền thống của đồng bào Mông, ông Sang lấy bộ đồ nghề, bắt đầu một buổi truyền nghề cho thế hệ trẻ. Hàng chục con dao được bày biện, nhỏ như lá tre, sắc và nhọn. Hàng chục ống tre to, nhỏ bằng ngón tay, ngón chân được chuẩn bị sẵn. Vài ba chàng trai trong bộ trang phục truyền thống ngồi xung quanh. Người vót ống tre, người làm lưỡi gà, người làm dây buộc. Ông Sang cẩn thận chỉ bảo từng người. Nói về nghề này, ông Sang bảo, không phải khó vì tạo hình cái khèn, kiếm nguyên liệu làm khèn, mà làm sao cái khèn khi thổi phải chuẩn tiếng. Cũng vì thế, hiện nay lớp trẻ gần như chẳng mấy người làm được. Ngay như con cái trong nhà ông cũng không ai đủ kiên nhẫn để học.
Để làm một chiếc khèn, ông Sang phải ngược vào rừng, cách xa vài chục cây số. Ông bảo ở đó có loại tre tốt, đủ tiêu chuẩn để làm khèn. Tre về, ông luộc, uốn theo độ cong mong muốn. Các công đoạn đều phải tỉ mẩn, từ bộ khung của chiếc khèn bằng gỗ pơ mu. Các ống tre phải cong đều, tiếng tốt. Lưỡi gà phải chuẩn về độ mỏng… Ngay cả dây buộc khèn cũng được lấy từ vỏ gỗ trên rừng. “Để làm được một bộ khèn phải mất nửa tháng. Nhiều công sức lắm”, ông Sang nêu. Nếu mô tả chi tiết từng bước, từng công đoạn có lẽ phải viết được vài cuốn sách. Có một điều đặc biệt, ông Sang bảo, khèn do ông làm đã được làm quà tặng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghe kể lại, năm 2013, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trạm Tấu. Chính quyền và nhân dân xã Trạm Tấu đã tặng Tổng Bí thư chiếc khèn - đặc trưng của đồng bào Mông do ông Sang làm. Trong bức ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ thổi thử chiếc khèn được tặng trước sự chứng kiến của đồng bào, nhân dân xã Trạm Tấu.
Du khách có thể ngắm biển mây bồng bềnh từ “đầu Rùa Đá” khổng lồ trên cung đường chinh phục đỉnh Tà Xùa Ảnh: PV |
Để gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, ông Sang nói, rất sợ mai một nghề làm khèn khi ông già đi. Hiện, giới trẻ vẫn múa khèn, thổi khèn trong các dịp lễ hội, cưới hỏi… nhưng để tìm người làm được khèn rất khó. Ngoài yếu tố về văn hoá, theo ông Sang, nghề này cho thu nhập cũng khá. Mỗi bộ khèn, tuỳ vào độ to, nhỏ cũng có giá vài triệu đồng, thậm chí không làm đủ theo nhu cầu đặt hàng.
“Trạm Tấu làm du lịch sẽ khó như leo núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù vậy. Nhưng nếu lên tới đỉnh núi sẽ mê mẩn cảnh thần tiên. Chúng tôi muốn đánh thức tiềm năng của Trạm Tấu, như đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng vậy”.
ông Khang A Chua ví von
Ðánh thức “nàng tiên ngủ trong rừng”
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi gặp ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu. Ông Chua đã trải qua nhiều vị trí công tác ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Yên Bái. Khi được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, thực hiện chủ trương của tỉnh, của lãnh đạo huyện, ông Chua mong muốn Trạm Tấu cũng phải biến những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hoá của huyện để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ông Chua bảo, huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, tận dụng lợi thế của địa phương về bản sắc văn hoá và cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi. Nếu so sánh, Trạm Tấu không thể ngày một, ngày hai bắt kịp thị xã Nghĩa Lộ hay như quê hương Mù Cang Chải của ông, với những điểm sáng như lễ hội Mường Lò, lễ hội ruộng bậc thang… “Trạm Tấu làm du lịch sẽ khó như leo núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù vậy. Nhưng nếu lên tới đỉnh núi sẽ mê mẩn cảnh thần tiên. Chúng tôi muốn đánh thức tiềm năng của Trạm Tấu, như đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng vậy.”, ông Khang A Chua ví von.
Đại diện lãnh đạo huyện Trạm Tấu cho biết bên cạnh phát huy những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, huyện cũng đang triển khai phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông, dân tộc Thái trên địa bàn . Theo đó, người lớn tuổi sẽ hướng dẫn người trẻ, làm sao phát huy được các nét đẹp cổ truyền, tránh mai một. “Đây là một trong những trọng tâm về nội dung phát triển du lịch của huyện”, ông Chua nói.
Dù dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, nhưng hiện nay vẫn có những chuyến xe, những phượt thủ đến với Trạm Tấu trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nơi đây. Ông Khang A Chua bảo, huyện đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty lữ hành triển khai xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các tua, tuyến du lịch quanh năm đến với Trạm Tấu, chứ không chỉ theo mùa, với mong muốn khai phá được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nguồn lực phát triển.
Ông Chua cũng cho biết, hiện huyện đang nỗ lực kêu gọi du lịch mạo hiểm đến địa phương. Những năm gần đây, nhiều du khách đã biết đến các địa danh như đỉnh núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù, đồi thông Eo gió, thác Háng Đề Chơ, thác Tà Xùa, nước khoáng nóng. Một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã nhận thấy tiềm năng, kết nối, tổ chức các đoàn du lịch mạo hiểm đến trải nghiệm, khám phá các địa điểm này. Ở độ cao 2.979m, Tà Chì Nhù (xã Xà Hồ) là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu và cao thứ 6 của Việt Nam, nằm ở khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Đường lên Tà Chì Nhù khó đi, do địa hình dốc, nhiều núi đá. Do đó, đây là một thử thách đòi hỏi những người leo núi có lòng dũng cảm và sự kiên trì, thu hút những người ưa mạo hiểm. Đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng với biển mây bồng bềnh hòa cùng nắng sớm trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Dọc đường lên đỉnh núi có thể bắt gặp những đàn dê núi, ngựa trời đang thong dong gặm cỏ. Trải nghiệm với đỉnh Tà Xùa (xã Bản Công) ở độ cao 2.865m với thiên nhiên hùng vĩ, rừng rêu đỏ có một không hai…
Biểu diễn khèn Mông. Ảnh: PV |
Khu rừng rêu đỏ đẹp như trong miền cổ tích trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: PV |