Họa sĩ Đức Tuấn nhận 3 bức tranh được thiếu ta Robert Simson lưu giữ từ ông Đại sứ Mỹ. |
Những kỷ vật được chủ nhân cất kỹ trong rương, trong tủ, thậm chí được đặt trên ban thờ của các cựu chiến binh đã khuất… Ba năm qua, khi cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” được phát động, chúng được lưu giữ ở cấp độ quốc gia, sống mãi với lịch sử những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Khi chiếc phích nước bình thường lên tiếng
Sau cuộc họp báo về Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” được tổ chức ở báo Tiền Phong được gần 2 tháng, chị Bùi Thị Hòa cùng con gái ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội mang chiếc phích làm bằng vỏ ống pháo sáng đến tặng Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, cơ quan thường trực tiếp nhận kỷ vật của cuộc vận động. Chiếc phích chạm khắc rất công phu, hoa văn hoa cúc dây, khắc hình chùa Một Cột và dòng chữ Quảng - Hà, ngày 14 tháng 5 năm 1974. Nét chạm khắc trên phích đẹp.
Chị Hòa kể: “Chiếc phích này của chồng tôi là Nguyễn Văn Minh, chiến sỹ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 mang về năm 1975. Chiếc phích được gia đình dùng từ ngày chúng tôi cưới nhau, đến nay đã hơn 30 năm. Nó không bị gỉ, chạm khắc lại đẹp, khách đến nhà chơi, đem phích ra pha nước ai cũng tấm tắc khen.
Hôm ti vi thông báo về Cuộc vận động, chồng tôi mang chiếc phích ra ngắm nghía, lau chùi và bảo: “Mai tôi sẽ mang chiếc phích lên tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tôi sẽ là một trong số những người đầu tiên tặng kỷ vật cho cuộc vận động”. Thật đau lòng, chưa kịp mang đi, sáng hôm sau, anh ấy bị cảm đột ngột rồi qua đời. Nhớ lời dặn của anh, sau 49 ngày anh ấy, mẹ con tôi mang đến đây trao tặng cuộc vận động”.
Một số kỷ vật chiến tranh (xe đạp dùng để vận tải, áo rơm tránh mảnh bom) đang được Bảo tàng LSQSVN lưu giữ. |
Nhưng khi Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ bảo tàng hỏi về nguồn gốc chiếc phích, chị Hòa lắc đầu, nói: “Tôi chưa bao giờ nghe anh kể, chỉ biết nó là vật kỷ niệm chiến trường thôi”. Không thể để một hiện vật quý lại không có một lai lịch cụ thể. Từ những dấu hiệu ngày tháng năm và chữ Quảng-Hà, Thượng tá Hằng cùng các cán bộ bảo tàng tìm đến Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 9. Thật bất ngờ, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hải, nguyên Trưởng ban quân lực trung đoàn nhận ra ngay nét khắc của chiến sỹ Dương Xuân Cường và cung cấp địa chỉ tác giả ở ngõ 238, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.
Mừng quá, chị Hằng mang chiếc phích nước đến gặp anh Dương Xuân Cường. Anh Cường cho biết, trước khi nhập ngũ, anh học tại trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội. Ở chiến trường có nhiều mảnh xác máy bay, vỏ ống pháo sáng và cả mi ca. Tranh thủ lúc rỗi, anh đã làm rất nhiều đồ dùng sinh hoạt tặng bạn bè đồng đội.
Có lần đơn vị giao làm một bộ lược, vòng nhẫn tặng cho nữ nghệ sỹ điện ảnh nổi tiếng của Mỹ Jane Fonda khi bà đến thăm Sư đoàn 304 năm 1973. Năm 1974, khi đánh trận Thượng Đức (Quảng Nam) xong, anh đã làm hai chiếc vỏ phích nước với ý định sau khi giải phóng miền Nam trở về nhà sẽ tặng mẹ một chiếc, một chiếc dành làm quà cưới cho vợ.
Anh Cường kể: “Tháng 5 năm 1975, đất nước thống nhất, chúng tôi được ra Bắc, thấy đồng hương Minh được về thăm nhà mà chẳng có thứ quà gì, tôi tặng Minh một chiếc. Chiếc còn lại tôi tặng mẹ, hiện bà đang dùng”.
Thế là chiếc phích nước vô tri vô giác đã trở thành một kỷ vật với một lai lịch thật sống động. Thế còn chiếc thứ hai? Chị Hằng đã theo anh Cường về nhà mẹ anh là cụ Nguyễn Thị Tý, 85 tuổi. Chiếc phích thứ hai này có chạm khắc tích Thúy Kiều - Từ Hải rất đẹp. Mẹ Tý suy nghĩ một hồi rồi quyết định hiến tặng chiếc phích cho cuộc vận động.
Áo rơm tránh mảnh bom.. |
Kỷ vật ở quanh ta
Cách đây vài chục năm, những bi đông, radio, thắt lưng Mỹ, khăn quàng bằng vải dù…có nhiều, rất nhiều vì nó là đồ dùng sinh hoạt của mọi người, của các gia đình Việt Nam thời chiến tranh. Chiến tranh lùi xa, đất nước trên đà phát triển, cuộc sống của người dân dần khấm khá lên, nhà cửa được xây mới khang trang, những đồ dùng hiện đại dần được thay thế trong các gia đình những thứ mà trước đây ở đâu ai cũng thấy, cũng gặp giờ trở thành của hiếm, trở thành kỷ vật kháng chiến. Rất nhiều thứ không ai nghĩ nó là kỷ vật nhưng khi cán bộ bảo tàng đến khai thác, nó lại là những kỷ vật kháng chiến quý giá.
Đoàn sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đến gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Thuật ở thôn Trường Xuân Tây, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có chồng và 2 con là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Khi hỏi mẹ xin kỷ vật kháng chiến, mẹ nói: Các chú ở quân khu, tỉnh đến lấy hết rồi, không còn thứ gì nữa đâu.
Từng nhiều lần trải qua tình huống tương tự, đoàn cán bộ sưu tầm xin phép được vào căn buồng chứa đồ đạc; mẹ chỉ nơi có căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Trong buồng vẫn còn lủng củng chum, lọ, ấm tích, bát đĩa…là những thứ gia đình sử dụng trong chiến tranh, dùng nuôi giấu cán bộ, bộ đội.
Mẹ Thuật và các thành viên trong gia đình mới hay, đây chính là kỷ vật kháng chiến. Mẹ còn kể rành rọt lai lịch từng thứ để cán bộ sưu tầm ghi chép. Một chuyến sưu tầm thắng lợi với hơn 10 hiện vật. Duy có chiếc chum lớn đựng thóc mẹ bảo khi nào mẹ ra đi mãi mãi, sẽ dặn lại con cháu tặng bảo tàng.
Hơn 11.000 kỷ vật kèm theo nội dung do cán bộ bảo tàng ghi chép là những câu chuyện sống động tái hiện một thời hào hùng của cả nước vượt lên gian lao thử thách, hiểm nguy và những khó khăn trong cuộc sống để đánh giặc giữ nước.
Thượng tá Trần Thanh Hằng cho biết: “Trong số những kỷ vật Ban tổ chức nhận được trong ba năm qua, cuốn “Nhật ký bằng tranh” của họa sĩ Lê Đức Tuấn, được gia đình viên thiếu tướng Mỹ William R. Peer gửi tặng, sau 42 năm lưu giữ trên đất Mỹ đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận, kể cả với báo giới Mỹ, sau khi được báo Tiền Phong đăng nhiều kỳ và tìm ra tác giả của cuốn nhật ký.
Cuốn nhật ký có thân phận gần giống Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chỉ khác nó được người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn thể hiện bằng tranh trên suốt chặng đường hành quân từ năm 1967-1968. Nó không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà còn thể hiện tính nhân văn, nhân bản sâu sắc”.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động giúp chúng ta khám phá những điều bí ẩn, diệu kỳ như những câu chuyện cổ tích đời thường về những cuộc đời, những hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc ta.
Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Tiền Phong, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Sau ba năm phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 11.000 kỷ vật, trong đó có nhiều kỷ vật quý hiếm của tướng lĩnh Việt Nam, kỷ vật của những người bên kia chiến tuyến… Tổ chức được gần 20 cuộc triển lãm, giao lưu và tiếp nhận kỷ vật, giới thiệu kỷ vật tới nhân dân và hế hệ trẻ trên cả nước. Cuộc vận động được Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á tài trợ, với số tiền trên 9 tỷ đồng. |