Đánh giá tác động thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh

Đánh giá tác động thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh
TPO - Trao đổi với Tiền Phong về công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong năm 2012, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho rằng việc đánh giá tác động thủ tục hành chính quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một việc làm thiết thực để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đánh giá tác động thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh ảnh 1

Tầm quan trọng của công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính và được quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thế nào, thưa ông?

Đây là phần công việc do chính các Ban Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính phải trực tiếp thực hiện việc đánh giá tác động thủ tục hành chính và lấy ý kiến phản biện của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, địa phương. Thông qua ý kiến phản biện của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc trực tiếp đánh giá tác động thủ tục hành chính của chính các Ban Soạn thảo sẽ giúp nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và khắc phục những bất cập của thủ tục hành chính, bảo đảm chỉ duy trì những thủ tục thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính
ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Ông có thể đánh giá hiệu quả công tác này trong năm vừa qua, thưa ông?

Phải nói rằng, đánh tác tác động thủ tục hành chính là yêu cầu mới trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Mặc dù là việc mới nhưng năm vừa rồi, công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính cũng đã được thực hiện, song chưa thực sự rốt ráo và nghiêm túc. Thậm chí, do chưa hiểu rõ bản chất và mục tiêu của việc đánh giá tác động nên cũng có ý kiến than phiền là tăng thêm thủ tục cho các cơ quan soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, với đối tượng tác động của thủ tục hành chính có thể lên tới hàng nghìn, vài chục nghìn, thậm chí lên tới hàng triệu người, thì nếu cơ quan hành chính bỏ thêm một giờ công lao động cho việc đánh giá tác động thủ tục hành chính ấy trước khi được ban hành sẽ giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức khác (các đối tượng tuân thủ thủ tục hành chính) tiết kiệm được số giờ lao động phải bỏ ra để tuân thủ thủ tục hành chính lên tới hàng trăm, hàng nghìn giờ.

Hiểu một cách đơn giản về đánh giá tác động thủ tục hành chính, chính là việc các Ban Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính thực hiện trả lời đầy đủ trên 50 câu hỏi cụ thể theo mẫu thống nhất thuộc 4 nhóm tiêu chí về: sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả, trước khi lấy ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính. Như vậy, có thể nói một văn bản có quy định về thủ tục hành chính trước khi được ban hành sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức hơn để chứng minh về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định này, thay vì chỉ dựa trên cơ sở cảm nhận và kinh nghiệm của các công chức. Việc này mang tính khoa học cao và chỉ mang lại hiệu quả nếu người công chức khi thực hiện việc đánh giá tác động thực sự công tâm, trách nhiệm và cầu thị; người đứng đầu cơ quan hành chính hướng sự quan tâm đến chất lượng quy định hơn đến tiến độ ban hành.

Đâu là thời điểm để đánh giá tác động thủ tục hành chính và lấy ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính?

Đánh giá tác động thủ tục hành chính là để loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và không hiệu quả. Chính vì vậy, các Ban soạn thảo cần phải tiến hành việc đánh giá tác động thủ tục hành chính ngay trong quá trình dự thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính chứ không phải là dự thảo văn bản xong rồi mới đánh giá như cách làm hiện nay của một số Ban soạn thảo. Theo đó việc gửi lấy ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính phải được tiến hành ngay sau khi có dự thảo đầu tiên. Thời điểm các Ban Soạn thảo gửi dự thảo văn bản lấy ý kiến phản biện của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính được gửi cùng thời điểm gửi dự thảo văn bản này đến các cá nhân, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến, trước khi hoàn thiện dự thảo văn bản gửi Bộ Tư pháp hoặc Vụ Pháp chế hoặc Sở Tư pháp thẩm định theo quy định. Hiện nay, qua theo dõi vẫn còn tình trạng nhiều Ban soạn thảo chưa tuân thủ đúng quy trình gửi lấy ý kiến phản biện của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính, thường thực hiện sau khi đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cách làm này sẽ ngăn chặn được thủ tục hành chính không cần thiết?

Có thể ngăn chặn hiệu quả chứ chưa thể chấm dứt. Bởi công việc này trước hết đòi hỏi ý thức trách nhiệm rất lớn từ phía các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ các bộ, ngành phát hiện không ít dự thảo thủ tục hành chính không tuân thủ đúng yêu cầu của việc đánh giá tác động thông qua ý kiến phản biện của mình.

Theo kết quả công bố, khoảng trên 3.000 thủ tục đã được đơn giản hóa trong tổng số gần 4.800 thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ trong năm 2011. Công việc tiếp theo trong thời gian tới là gì thưa ông?

Như tôi đã nói, cải cách TTHC không đơn thuần chỉ là việc đơn giản hoá những thủ tục đã được rà soát, mà quan trọng hơn chính là việc nâng cao chất lượng những thủ tục hành chính mới được ban hành; tiếp tục cắt giảm những thủ tục hành chính không thật sự cần thiết; công khai, minh bạch và tổ chức thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính trong thực tế đời sống để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Làm tốt việc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước đáp ứng kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ và vì dân. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Theo Hỗ trợ
MỚI - NÓNG