Đánh giá bài báo của ứng viên GS, PGS: Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng bài báo khoa học quốc tế của các ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư thuộc về Hội đồng Giáo sư cơ sở và Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành.

Cuối tuần này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp để xét duyệt hồ sơ của các ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) đã qua vòng sơ loại của Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành/liên ngành (Hội đồng GS ngành).

Đánh giá bài báo của ứng viên GS, PGS: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

Tuy nhiên, dù đã qua hai hội đồng này thẩm định nhưng Hội đồng GS Nhà nước vẫn nhận được những phản ánh, ý kiến liên quan đến bài báo khoa học của các ứng viên ở các ngành Kinh tế, Triết học – Xã hội học và Chính trị, Xây dựng – Kiến trúc…

Theo PGS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, sau khi nhận được thông tin, Hội đồng GS Nhà nước đã chuyển lại cho các Hội đồng GS ngành có liên quan để yêu cầu rà soát, kiểm tra lại thông tin.

Không những thế, số hồ sơ ứng viên sau khi qua Hội đồng GS ngành xét duyệt chỉ đạt trên 80% so với Hội đồng GS cơ sở. Có nhiều nguyên nhân khiến các ứng viên bị loại ở vòng Hội đồng GS ngành trong đó có liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định bài báo khoa học uy tín.

Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng nhiệm vụ của Hội đồng GS cơ sở và Hội đồng GS ngành là phải rà soát, kiểm tra được những bài báo đăng trên những tạp chí đã không còn thuộc hệ thống Scopus theo yêu cầu cứng đã được đặt ra.

Đối với một số bài báo đăng trên tạp chí vẫn nằm trong danh sách Scopus nhưng có những dấu hiệu nghi vấn, Hội đồng GS cũng phải tìm ra để đánh giá công bằng, khách quan, ví dụ như nội dung một đằng, tên tạp chí một nẻo; Tạp chí đã từng thuộc hệ thống Scopus nhưng thời điểm tác giả đăng bài đã bị loại khỏi hệ thống này.

“Đối với những trường hợp đã đầy đủ thông tin, khi bài báo đăng trên tạp chí không nằm trong Scopus hoặc tạp chí phi pháp thì Hội đồng hoàn toàn có thẩm quyền không công nhận những bài báo này", TS Phạm Hiệp nêu quan điểm.

Ngoài ra, có trường hợp bài báo đăng trên tạp chí vẫn thuộc danh sách Scopus (theo đúng tiêu chuẩn cứng) nhưng hội đồng cần phải phát huy quyền, nhiệm vụ và năng lực thẩm định của mình thông qua việc chấm điểm.

Không phải bài báo nào cũng đạt điểm tối đa 1,5 điểm hay 2 điểm, mà tùy vào chất lượng từng bài báo khoa học để hội đồng chấm các mức điểm khác nhau.

Theo tiêu chuẩn cứng được quy định là ứng viên có bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh sách Scopus là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đối chiếu vào tiêu chuẩn cứng để đánh giá chất lượng bài báo thì không cần đến một Hội đồng GS mà chỉ cần một cá nhân hiểu về đo lường khoa học là có thể làm được. Vì vậy, vai trò, chức năng thẩm định của Hội đồng GS phải được thể hiện rõ khi đánh giá chính xác những trường hợp này.

TS Phạm Hiệp nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hội đồng GS khi quy trình xét duyệt các ứng viên trải qua 3 vòng, từ Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành đến Hội đồng GS nhà nước. Nếu Hội đồng GS cơ sở để lọt những ứng viên có bài báo không đảm bảo chất lượng thì Hội đồng GS ngành phải tìm ra được và đánh giá một cách khách quan. Nếu Hội đồng bỏ lọt quá nhiều ứng viên chưa đạt yêu cầu thì cần phải xem xét lại.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quy định về liêm chính học thuật, đạo đức khoa học đã rõ ràng. Thủ tục pháp lý cũng đã tường minh, chặt chẽ, vấn đề còn lại là khâu triển khai thực hiện có đảm bảo hay không”, TS Phạm Hiệp nói.

MỚI - NÓNG