Dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Danh có chính, ngôn mới thuận?

Facebook là nơi để nhiều người giao lưu, mua bán đồ Ảnh: Ngọc Châu
Facebook là nơi để nhiều người giao lưu, mua bán đồ Ảnh: Ngọc Châu
TP - Bộ Thông tin và Truyền thông đang đưa ra lấy ý kiến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng (Bộ QTƯX). Đây là động thái cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội (MXH), nâng cao chuẩn mực giao tiếp của người dùng MXH. Tuy nhiên, để Bộ QTƯX thực chất, đi vào cuộc sống cần có những chế tài cụ thể. 

Rủi ro mang tên  mạng xã hội

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 MXH, như: Facebook, YouTube, FB Messenger, Zalo, Google+, Mocha… Với 55 triệu tài khoản, trong đó 57% số người dùng Facebook, Việt Nam đứng thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.

Việc Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Bộ QTƯX được cho là nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của MXH, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng MXH tại Việt Nam. Mặt trái của MXH luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế “mềm”. Việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH là rất cần thiết.

Trong dự thảo có đề xuất công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên MXH bằng cách sử dụng họ tên, hình ảnh thật của cá nhân và công khai cơ quan đang công tác. Đây cũng là nội dung được nhiều người tham gia MXH quan tâm.

Chị Hoàng Thảo (giảng viên một trường đại học tại Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, tình trạng sinh viên sử dụng nick ảo công kích, bêu rếu người khác trên MXH diễn ra thường xuyên. Những người bị công kích thì chỉ biết “chịu trận”, có sinh viên không chịu nổi áp lực bỏ tiết, bỏ giờ, thậm chí bỏ học để tránh bị bạn bè trêu chọc. Ngay cả thầy cô giáo cũng không là ngoại lệ trong chuyện bị bôi nhọ trên MXH. Chị Thảo cho rằng: “Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có chuẩn mực trong ứng xử, vì thế cũng nên có những quy ước giúp lành mạnh môi trường MXH”.

Nhà văn Vũ Phương Thành cũng từng chia sẻ, chị bị nhiều cá nhân lập thành nhóm đe dọa gia đình và tung tin xấu về chất lượng công ty trà sữa của chị trong một thời gian dài. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, cũng như quy chuẩn của Bộ Y tế, thế nhưng các trang mạng là nguyên nhân khiến chị bị trầm cảm. Sau đó, chị phải làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Facebooker Pham Nhu Quynh nêu quan điểm: “Dùng ảnh thật rất tốt khi giao tiếp với người dân trong công việc cũng như trong các giao tiếp cộng đồng nói chung. Nó giúp công chức có sự kiểm soát trong quá trình viết, bình luận và tranh luận trên mạng xã hội. Giúp dần định hình việc dùng danh tính thật đề trao đổi công việc và giao tiếp thường ngày”.

Thiếu chế tài xử lý

Một số facebooker nổi tiếng trên MXH cũng đồng tình phải chính danh trên MXH, nhất là các nghệ sĩ khi tên tuổi của họ bị sử dụng tràn lan để “câu like, kiếm view”. Sau đó tải khoản ảo này dùng để bán hàng online hoặc sử dụng vào các mục đích xấu ảnh hưởng đến uy tín nghệ sĩ. MXH cần khung hành lang pháp lý cơ bản, để tránh phát sinh những hệ lụy bất cập. Các chế tài quản lý MXH chỉ được điều chỉnh bởi những nhà tạo lập nên đôi khi bị những “nhóm nick ảo” chuyên nghiệp report, đến nỗi chính tài khoản thật bị tài khoản ảo khóa.

Tuy vậy, quy định công khai tên, ảnh thật của công chức theo Facebooker Dang Nhu Quynh có nguy cơ lộ thông tin cá nhân trên mạng, dễ bị truy xét và sử dụng thông tin cá nhân vào những việc không tốt. Dễ bị các đơn vị thu thập trái phép thông tin phục vụ vào việc riêng gây ảnh hưởng đến đời sống và quan hệ xã hội của công chức. Ngoài ra, việc này cũng làm công chức cảm thấy nặng nề khi nói chuyện và đắn đo hơn khi thao tác trên mạng.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc đưa ra Bộ QTƯX cho thấy Bộ TT&TT rất quan tâm đến sự phát triển của MXH, đây là chủ trương đúng đắn giúp chúng ta có thể sử dụng MXH an toàn, hiệu quả đúng pháp luật hơn. Tuy nhiên, khi đưa ra Bộ QTƯX cần xét đến góc độ pháp lý vì từ thẩm quyền ban hành, đến tên quy tắc, nội dung còn nhiều vấn đề phải bàn.

Theo luật sư Tú, khi đưa ra Bộ QTƯX như thế này cần xét đến ở góc độ luật pháp vì quy tắc mang tính chuẩn mực xã hội thì bản chất là văn bản quy phạm pháp luật.

Về nội dung, luật sư Tú cũng dẫn ra một số sự trùng lặp hoặc không cần thiết như người tham gia MXH phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đây là điều đương nhiên, đã là công dân Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật; Vấn đề không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức đang làm việc thì đã có Bô luật Dân sự, Luật Cán bộ công chức, những điều đảng viên không được làm, có cả tội danh về tiết lộ bí mật công tác trong Bộ luật hình sự; Về vấn đề khá nóng bắt buộc để tên thật trên MXH thì chưa có luật nào quy định việc này, nếu không có luật nào quy định thì một văn bản của cấp bộ không đủ quyền năng đưa ra quy định cứng như vậy.

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, MXH đang chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt là ở các vụ việc nhạy cảm. Việc ban hành Bộ QTƯX là phù hợp, kịp thời. Tuy nhiên, bà Giang bày tỏ lo ngại Bộ QTƯX không có chế tài để xử lý vi phạm, do đó rất khó để tuân thủ.

Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội, Bộ quy tắc này dường như tách biệt khái niệm “cá nhân” và “công chức”. Ai sử dụng MXH đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trên MXH. Theo TS Hồng, Bộ QTƯX  không có tính ràng buộc về pháp lý. Nếu công chức không đưa ảnh, tên thật hay cơ quan công tác thì cũng không có chế tài xử phạt. Trong khi việc phát ngôn, hành xử của công chức đã có quy định rõ trong những quy tắc liên quan đến công chức, không nên đưa thêm ra nhiều quy định.

Theo Facebooker Dang Nhu Quynh việc công bố thông tin chính danh trên mạng xã hội có thể làm kẻ xấu hay người thù ghét riêng dễ tiếp cận đề có những hành động xấu. “Làm cho các công chức khi giao nhiệm vụ nhạy cảm dễ dàng lo sợ về thông tin cá nhân và nhân thân người thân sẽ bị lộ. Ảnh hưởng đến những bí mật đời tư”, Facebooker này nêu quan điểm.

Theo một số chuyên gia, những điều cán bộ viên chức phải làm trong Bộ QTƯX đã có trong quy chế tuyển dụng cán bộ, viên chức. Có thể rà soát Bộ QTƯX, nếu không cần thiết chỉ cần bổ sung, cập nhật thêm vào quy định trong Luật Cán bộ công chức. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.