Đằng sau việc sao hạng A ghẻ lạnh giải Quả cầu Vàng

0:00 / 0:00
0:00
Nỗ lực lấy lại uy tín của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood không thành khi Quả cầu Vàng 2022 tổ chức trong điều kiện không thảm đỏ, kèn trống, thiếu vắng dàn sao nổi tiếng.

Nỗ lực lấy lại uy tín của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood không thành khi Quả cầu Vàng 2022 tổ chức trong điều kiện không thảm đỏ, kèn trống, thiếu vắng dàn sao nổi tiếng.

Theo Guardian, những quả cầu sáng chói mang tên Quả cầu Vàng đã không còn bóng bẩy. Trải qua đợt tẩy chay, lễ trao giải trước đây được gọi là “tiền đề để các tác phẩm, diễn viên tranh giải Oscar” giờ đây bị ghẻ lạnh.

Giải thưởng thậm chí không được phát sóng trên đài truyền hình, trực tiếp như những năm trước. Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) chỉ đăng lên trang web chính thức sau khi có kết quả. Sau bao scandal, hình ảnh Quả cầu Vàng trong mắt khán giả không còn như xưa dù ban tổ chức đã nỗ lực cứu vớt.

Su that sung cua Qua cau Vang anh 1

Chủ tịch Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood Helen Hoehne và Snoop Dogg tại Quả cầu Vàng 2021. Ảnh: Reuters.

Đòn tẩy chay mạnh mẽ của Hollywood

Buổi công bố giải thưởng không báo đài, thảm đỏ tại khách sạn Beverly Hilton được cho là nỗ lực cứu vớt hình ảnh của ban tổ chức. Sau hai năm ngành công nghiệp điện ảnh làm phim trong bối cảnh dịch bệnh hạn chế, giải thưởng ra mắt với tư cách tôn vinh các tác phẩm, nhà làm phim.

Bất chấp những nỗ lực nhằm cấu hình lại quy trình đề cử và bỏ phiếu, Quả cầu Vàng 2022 lại đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, độ uy tín khi giải thưởng không thảm đỏ, không quy tụ sao hạng A, thậm chí không phát trực tuyến trên mạng.

Melissa Silverstein, người sáng lập tổ chức Phụ nữ ở Hollywood kiêm chỉ đạo liên hoan phim Athena, nói với Guardian: “Một giải thưởng được trao bí mật, không có ai nhìn thấy liệu nó có đáng tin không? Quả cầu Vàng trước đây có người lên nhận giải và họ sẽ tận hưởng niềm vui. Mọi thứ giờ đã gục ngã. Họ không kêu gọi được bất cứ ai”.

Theo Silverstein, điều này đáng buồn nhưng đó là cái kết xứng đáng. Ban tổ chức trước đây đối xử thiếu công bằng với phụ nữ. Thành viên giám khảo và Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood cho rằng họ là những người quyền lực, có quyền lạm dụng hay làm bất cứ điều gì với các diễn viên nữ.

“Thật xấu hổ vì mọi thứ đã diễn ra quá lâu. Tôi chắc rằng nhiều diễn viên được đề cử cảm thấy nhẹ nhõm khi không trải qua những thứ tiêu cực nữa”, cô nói.

Su that sung cua Qua cau Vang anh 2

Công ty quản lý của Lee Jung Jae (trái) và Oh Young Soo thông báo từ chối dự Quả cầu Vàng. Ảnh: Netflix.

Năm 2021, giải thưởng do HFPA điều hành bị báo chí chỉ trích mạnh mẽ. Ban tổ chức bị yêu cầu giải trình những sai phạm về đạo đức, kết quả giải thưởng không phản ánh thế giới rộng lớn của điện ảnh cũng như những vấn đề về tiền bạc. Năm 2019, không ai trong số 87 thành viên là người da đen. Việc tuyển dụng thêm 21 người vào hội đồng giám khảo cũng bị đánh giá là “làm cho có”.

Hàng loạt ngôi sao lớn, trong đó có Scarlett Johansson, từ chối tham gia các sự kiện của HFPA. Sao phim Góa phụ đen cho rằng các thành viên thường xuyên dùng câu hỏi phân biệt giới tính, quấy rối tình dục với diễn viên nữ.

Tom Cruise thời điểm đó thẳng thừng trả lại ba cúp vàng, động thái xem thường giải thưởng. Điều này cổ vũ làn sóng tẩy chay mạnh mẽ Quả cầu Vàng từ sao hạng A, các công ty, nhà tài trợ và đối tác lớn.

NBC hủy hợp đồng phát sóng, tuyên bố chỉ hợp tác với Quả cầu Vàng nếu họ có động thái thay đổi trong tương lai. Trong năm nay, không có tạp chí nào nhận lời bảo trợ truyền thông cho giải thưởng. Nhiều ngôi sao hạng A không lên tiếng (kể cả người được đề cử) về Quả cầu Vàng.

Trường hợp từ chối đến dự Quả cầu Vàng 2022 đến từ ngôi sao Lee Jung Jae của series Squid Game. “Lee sẽ vắng mặt tại sự kiện vì xem xét tình hình dịch Covid-19, các quy định tự cách ly và việc Netflix không gửi bộ phim đến giải thưởng”, đại diện công ty nói với Korea Herald.

Đại diện của Netflix cũng xác nhận thông tin đạo diễn Hwang Dong Hyuk và diễn viên gạo cội Oh Young Soo không có mặt tại lễ trao giải.

Jeremy Kay, biên tập viên tờ Screen Daily, nói: “Quả cầu Vàng đang là đội thua cuộc lớn nhất mùa giải thưởng. Nhiều tháng qua, HFPA nỗ lực ra thông cáo báo chí để cho thấy sự thay đổi nhưng mọi thứ đã nguội lạnh. Các đề cử không còn được đón nhận. Ảnh hưởng của giải thưởng đến Oscar giờ đây gần như không đáng kể”.

Tại Hollywood, mùa giải thưởng hàng năm là vấn đề quan trọng về tính tiếp thị. Với tình trạng Quả cầu Vàng thất thế, ban tổ chức giải thưởng Critics Choice hy vọng thu lợi cao từ điều này. Lễ trao giải Sự lựa chọn của nhà phê bình đáng lý diễn ra trong tháng 1. Song, số ca nhiễm biến thể Omicron của Covid-19 gia tăng khiến ban tổ chức dời ngày.

Sự kiện BAFTA tổ chức ngày 13/3 cũng được cho là muốn lăm le đoạt vị thế của Quả cầu Vàng. Sự kiện tại London diễn ra trước thềm Oscar, có cơ hội “gây ảnh hưởng” đến quyết định của Viện Hàn lâm.

Gần đây, Học viện Anh - đơn vị tổ chức BAFTA - trải qua cuộc chấn chỉnh, tự kiểm điểm nghiêm ngặt. Ban tổ chức đã bổ sung nghệ sĩ da màu và phụ nữ vào ghế giám khảo. Guardian đánh giá điều đó đáng hoan nghênh và giúp giải thưởng gây chú ý sau khi Quả cầu Vàng thất thế.

“Bất chấp sự sụt giảm liên tục về lượng khán giả theo dõi trên sóng truyền hình, Oscar vẫn là đỉnh cao của mùa giải thưởng tại Mỹ. Giờ đây, nhiều sự kiện khác như BAFTA, Spirit hay Gotham gầy dựng uy tín và có tác động không nhỏ đến giải thưởng của Viện Hàn lâm”, Kay nói.

Tương lai của nhóm người yếu thế tại Hollywood

Jeremy Kay cho rằng còn quá sớm để nói liệu HFPA có được đón nhận vào mùa giải thưởng mới hay không. Vào thời điểm mà những biên kịch, đạo diễn hay diễn viên từ các cộng đồng yếu thế (phụ nữ, LGBTQ+, da màu…) có tiếng nói, Hollywood khó lòng chấp nhận nơi đầy rẫy sự bất bình đẳng.

“Trong khoảng 5 năm trở lại đây, sự đa dạng đã trở thành khẩu hiệu. Ngành công nghiệp điện ảnh lên tiếng muốn đón nhận sự thay đổi. Khán giả có thể thấy điều đó trên tạp chí, các mùa giải thưởng. Ngay cả giải Gotham gần đây công bố người thắng cuộc không thông qua giới tính ở hạng mục diễn xuất. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Quả cầu Vàng bị quên lãng và những giải thưởng khác trỗi dậy”, Kay nói.

Su that sung cua Qua cau Vang anh 3

Việc trao giải Nữ chính xuất sắc hạng mục truyền hình cho diễn viên chuyển giới Michaela Jaé Rodriguez là nỗ lực cứu vớt uy tín của giải thưởng Quả cầu Vàng. Ảnh: Netflix.

Đối với Silverstein, tất cả những vụ việc xoay quanh Quả cầu Vàng phải làm nổi bật vấn đề phụ nữ chưa có tiếng nói trong ngành. “Tôi hy vọng câu chuyện lớn khác được chú ý. Thực tế Jane Campion hoàn toàn có thể được đề cử hạng mục Đạo diễn xuất sắc lần hai. Nếu điều đó xảy ra, đây là năm thứ hai giải thưởng là cuộc chơi của phái đẹp. Điều đó sẽ rất hoành tráng”, Silverstein nói.

Silverstein cho rằng những bộ phim về phụ nữ sẽ không biết mất. Song, các mạng truyền hình còn tính toán đến thị hiếu của khán giả. Phim kiếm tiền tại phòng vé và phim có nội dung hay để đoạt giải từ lâu có sự không ăn khớp.

Silverstein hy vọng khán giả có thể xem những bộ phim chất lượng mà không cần chú trọng đến kỹ xảo và độ hào nhoáng. Chỉ khi đó, thành tựu của những người phụ nữ kể cả trước và sau máy quay mới được công nhận, trước khi ngành công nghiệp điện ảnh quá phụ thuộc vào mặt tài chính của tác phẩm siêu anh hùng.

“Tôi thực sự hy vọng nhìn thấy sự thay đổi về khái niệm của một bộ phim thành công. Chúng ta hoàn toàn tạo ra bộ phim có lãi mà không cần kinh phí lớn. Thực tế phim bán được vé đã là thành công. Làm thế nào để loại bỏ sự kỳ vọng về những bom tấn phòng vé, siêu lợi nhuận khỏi ngành công nghiệp điện ảnh?”, cô nói thêm.

Theo Trạch Dương/Zing.vn
MỚI - NÓNG