Đằng sau tuyên bố chung Trump-Kim

Người dân Hàn Quốc theo dõi cuộc gặp Trump-Kim trên truyền hình tại một nhà ga​. Ảnh chụp ngày 12/6 (Getty Images).
Người dân Hàn Quốc theo dõi cuộc gặp Trump-Kim trên truyền hình tại một nhà ga​. Ảnh chụp ngày 12/6 (Getty Images).
TP - Cuối cùng thì tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng các nhà quan sát nói tuyên bố chung của đôi bên đưa ra rất ít chi tiết về việc làm cách nào để đạt các mục tiêu đề ra trong tuyên bố chung, Reuters tường thuật.

Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều  Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết chắc chắn về việc  phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố viết.

“Chung chung”

Ông Trump nói ông trông đợi tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ diễn ra “rất, rất nhanh”. Còn theo bản tuyên bố chung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục đàm phán “vào thời điểm sớm nhất có thể”.

 Các nhà quan sát chính trị nói hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều mới chỉ đạt được những kết quả mang tính biểu tượng và chưa có gì là rõ ràng.

“Chưa rõ là các cuộc đàm phán tiếp tới có dẫn đến mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hay không”, Anthony Ruggiero, chuyên gia kỳ cựu của Viện nghiên cứu Quốc phòng dân chủ (Mỹ) nhận định. “Giống như một bản tuyên bố lại những gì đã đàm phán hơn 10 năm trước đây, chưa có gì gọi là bước tiến đáng kể”.

Tuyên bố chung cũng không đả động gì đến các lệnh cấm vận quốc tế đối với Triều Tiên, cũng không nhắc tới chuyện ký hiệp ước hòa bình. (Về mặt kỹ thuật, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh-PV).

Mặc dù vậy, tuyên bố chung lại nói hai bên đồng ý tìm kiếm, trao trả hài cốt của tù nhân chiến tranh và những người mất tích khi làm nhiệm vụ.

Trung Quốc nhanh chóng phản ứng với kết quả hội đàm Mỹ-Triều, nói nước này hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể đạt được đồng thuận cơ bản về chuyện phi hạt nhân hóa.

“Cần phải có một cơ chế hòa bình đối với bán đảo Triều Tiên, để giải tỏa các mối lo ngại về an ninh”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với phóng viên từ Bắc Kinh.

 Nếu tuyên bố chung Mỹ-Triều dẫn tới giảm căng thẳng triệt để, nó có thể thay đổi cơ bản bức tranh an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Nhưng Lý Nam, chuyên gia cao cấp của Pangoal, cơ quan nghiên cứu chính sách công có trụ sở tại Bắc Kinh, nói, cuộc gặp Trump-Kim chỉ có ý nghĩa biểu tượng. “Quá sớm để gọi đây là bước ngoặt trong quan hệ Bắc Triều Tiên-Mỹ”, ông Lý nói.

Vẫn cứ vui dù phân vân không ít

Nói gì thì nói, chỉ riêng chuyện tổng thống Mỹ gặp mặt chủ tịch Triều Tiên đã khiến rất nhiều người vui mừng. Dân Hàn Quốc mừng ra mặt. Một tờ báo Nhật Bản tăng thêm trang để “đưa tin đón” về hội nghị chưa có tiền lệ giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, người ta reo hò, vỗ tay khi truyền hình chiếu cảnh ông Trunmp và ông Kim bắt tay.

“Tôi thực sự hy vọng về một kết quả tốt đẹp”, Yoon Ji, giáo sư đại học Sungshin ở Seoul nói. Tôi hy vọng Bắc Triều sẽ phi hạt nhân hóa, ký hiệp định hòa bình, mở cửa nền kinh tế”.

Một số người thì đặt câu hỏi liệu ông Kim Jong-un có hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân, thứ ông ta rất có thể coi là phương tiện để đảm bảo sự tồn vong của bản thân mình. “Tôi vẫn không chắc chắn  miền Bắc có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không”, Jo Han-won, một người dân Hàn Quốc được AP trích lời. “Chúng tôi chưa bao giờ biết nhiều về chế độ ở Bắc Triều Tiên và thật khó để phân biệt cái gì đúng, cái gì sai”.

Tất nhiên mỗi quốc gia sẽ có góc nhìn riêng đối với sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều, xuất phát từ lợi ích riêng. Trung Quốc muốn đảm bảo lợi ích của họ được bảo toàn và điều đó không thể có được với một bán đảo Triều Tiên thống nhất ngả về Mỹ. Một bài xã luận trên Nhật báo Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò của Bắc Kinh trong việc đưa ông Trump xích lại gần ông Kim. “Kết quả này là phần thưởng cho những bên nỗ lực không ngừng biến cuộc gặp (Trump-Kim) thành hiện thực”, báo này viết.

 Hu Xijin, biên tập viên Hoàn cầu thời báo, nói ông “thực sự vui” với kết cục này và bác bỏ “luận điệu của một số cư dân mạng Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh bị gạt ra bên lề trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. “Họ phải thấy rằng báo chí khắp thế giới nói vai trò của Trung Quốc là không thể thay thế”.

Trong khi đó Yomiuri, tờ báo lớn nhất Nhật Bản đã cho ra một ấn bản đặc biệt bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, phát miễn phí ở các thành phố lớn 90 phút trước khi cuộc gặp diễn ra.

Những người đi ngang qua một nhà ga ở Tokyo giành giật 500 tờ chỉ trong chớp mắt. Họ nói sẽ giữ tờ báo làm kỷ niệm về một sự kiện lịch sử. Hầu hết đều cho rằng cuộc gặp là bước tiến nhưng vẫn tỏ ra hoài nghi. Momoko Shimada, sinh viên 20 tuổi nói: “Sau bắt tay và tuyên bố là những hành động cụ thể. Tôi tin rằng cũng chẵng dễ dàng gì”.

MỚI - NÓNG