Đằng sau thảm họa bóng đá ở Ai Cập

Lực lượng an ninh bất lực tại vụ bạo loạn ở sân vận động Port Said Ảnh: Getty Images
Lực lượng an ninh bất lực tại vụ bạo loạn ở sân vận động Port Said Ảnh: Getty Images
TP - Sau vụ bạo lực bóng đá giữa tuần trước khiến 79 người chết, giới cổ động viên quá khích ở Ai Cập đang tăng cường đối đầu với lực lượng an ninh nước này, báo hiệu những diễn biến mới về chính trị, xã hội.

> Hỗn loạn vì ẩu đả bóng đá làm 74 người chết

Lực lượng an ninh bất lực tại vụ bạo loạn ở sân vận động Port Said Ảnh: Getty Images
Sau vụ bạo lực ở Port Said, người biểu tình ở Cairo xung đột với cảnh sát trước trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh: AP.

Mạng lưới cổ động viên cứng đầu khắp Ai Cập đã có lịch sử 5 năm gần như tuần nào cũng xung đột với lực lượng an ninh bên trong sân bóng.

Sau đó, trong năm qua, hai bên còn đối đầu nhau tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo và đường phố của nhiều thành phố lớn. Những cuộc biểu tình ấy đã góp phần lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak.

Thảm kịch vừa qua ở sân vận động Port Said, nơi cổ động viên CLB Al Ahly SC (Cairo) xung đột những người ủng hộ CLB Al Masry SC (thành phố Port Said), khiến nhiều người cho rằng, giới chức đã cố tình để vụ bạo lực đẫm máu nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập diễn ra.

Mục đích là làm suy giảm mức độ nổi tiếng của giới cổ động viên cứng đầu và đập tan sự kháng cự của họ đối với chính quyền hiện tại vẫn do quân đội nắm giữ.

Lực lượng xung kích

Sau vụ bạo lực ở Port Said, người biểu tình ở Cairo xung đột với cảnh sát trước trụ sở Bộ Nội vụ Ảnh: AP

Một trong những bí mật lớn của cuộc cách mạng lật đổ chế độ Mubarak hồi năm ngoái là một thực tế rằng, những cổ động viên quá khích chính là quân xung kích của lực lượng nổi dậy.

Mối thù hận lịch sử giữa những người ủng hộ Al Ahly (thành lập đầu thế kỷ XX với tư cách CLB của những người theo chủ nghĩa dân tộc, chống lại ách cai trị thực dân Anh) và cổ động viên CLB Zamalek của người Anh, các đồng minh Ai Cập cùng chế độ quân chủ chỉ mờ đi khi có một điểm chung: căm ghét Tổng thống Mubarak và lực lượng an ninh của ông. Khi cách mạng bùng nổ, họ gạt những khác biệt sang một bên để cùng nhau chống chế độ phi dân chủ.

Được tôi luyện trong các trận chiến với cảnh sát nhiều năm qua, cổ động viên quá khích là lực lượng tiên phong vượt qua các hàng rào chướng ngại vật của cảnh sát hôm 25-1-2011, ngày đầu tiên của chuỗi ngày biểu tình phản đối chế độ Mubarak.

Đột phá khẩu của họ cho phép những người biểu tình chiếm giữ Quảng trường Tahrir. Đó là thời điểm lịch sử trong việc giúp người Ai Cập phá bỏ rào cản đầu tiên của nỗi sợ lĩnh hậu quả của việc công khai phản đối chế độ Mubarak.

Tại Tahrir, họ áp dụng kiến thức chiến tranh đường phố để duy trì việc chiếm giữ quảng trường đầy tính biểu tượng này. Các cổ động viên không biết sợ chính là những người chắn giữ vòng ngoài và lối vào quảng trường.

Với quyết tâm cao độ, kỷ luật chiến thuật ấn tượng, họ đánh lui các cuộc tấn công của lực lượng an ninh cùng những người trung thành với ông Mubarak. Họ ném đá, bom xăng và ném trả lựu đạn cay về phía lực lượng an ninh, cảnh sát. Bằng hành động cụ thể, họ thuyết phục đám đông biểu tình vững tâm tiếp tục chống lại chế độ phi dân chủ.

Những tháng sau đó, lực lượng cổ động viên quá khích lại dẫn đầu đám đông tràn vào các văn phòng Lực lượng An ninh Trung ương của ông Mubarak, cướp phá Đại sứ quán Israel ở Cairo hồi tháng 9-2011, giao tranh trên đường phố vào tháng 11 và 12-2011 ở gần Tahrir (khiến hơn 50 người chết, trên 1.000 người bị thương), và liên tục gây hấn ở các sân vận động.

Hào quang biến mất

Tuy nhiên, do phần lớn người dân Ai Cập ngày càng mệt mỏi với các vụ biểu tình, mong muốn cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế hồi phục, nên lực lượng cổ động viên cứng đầu bắt đầu mất ánh hào quang.

Ở một khía cạnh nào đó, các tổ chức của cổ động viên quá khích (thường được nhà chuyên môn và sinh viên có nhận thức chính trị cao thành lập) là nạn nhân của chính thành công của họ. Vai trò, vị thế của họ tăng đột biến bởi sự ủng hộ của hàng nghìn người bất mãn, ít giáo dục hơn, thường là thanh niên thất nghiệp.

Đám đông này hành động ít vì động cơ chính trị, mà chủ yếu là vì khát vọng trả đũa lực lượng an ninh nhiều năm lạm dụng, ngược đãi họ.

Những dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện. Các cổ động viên quá khích tràn vào đường pít trong trận đấu giữa Zamalek và Esperance Sportieve du Tunis của Tunisia trong khuôn khổ giải vô địch châu Phi, hồi tháng 4 năm ngoái tại Cairo, trước đám đông vào xem miễn phí.

Lực lượng cảnh sát trong sân hồi đó rất mỏng. Lần đầu tiên trong lịch sử lực lượng cổ động viên rắn mặt, hoàn toàn làm chủ sân vận động. Trong suốt 90 phút thi đấu, pháo hoa, pháo sáng, súng khói ngập tràn sân vận động. Đám đông lao theo một thanh niên vô học tràn vào đường pít để phản đối trọng tài.

Trong thảm kịch Port Said, cảnh sát bị buộc tội khoanh tay đứng nhìn, để mặc các cổ động viên đánh nhau rồi giẫm đạp tìm lối thoát thân. Nhiều cổ động viên quá khích tin rằng, quân đội có cùng mục tiêu: tìm cách phá hoại lực lượng chống đối tiềm năng nhất.

Dự kiến, Al Ahly và Zamalek sẽ thi đấu một trận nữa vào ngày 7-2 (giới chức đã hủy tất cả trận đấu bóng đá cho đến khi có thông báo mới). Lãnh đạo lực lượng cổ động viên của cả hai CLB đều tuyên bố hai bên sẽ không xung đột nữa, mà tập trung sức lực chống kẻ thù chung.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, lực lượng cổ động viên Zamalek (UWK) kêu gọi fan của Ahly tuyên bố đình chiến. “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt đổ máu và hòa giải, đoàn kết vì đất nước Ai Cập”, UWK viết. Cổ động viên Ahly đáp lại bằng một biểu tượng mặt cười.

Điều này không liên quan gì tới bóng đá, mà hoàn toàn là chính trị” - Magdy Mohammed, cổ động viên Al-Ahly

Thảm kịch Port Said có nghĩa rằng, các lực lượng cổ động viên đối lập sẽ cần nhau hơn bao giờ hết. Sau vụ bạo lực đẫm máu, nhà cầm quyền Ai Cập, Thống tướng Mohamed Hussein Tantawi, thề sẽ truy lùng thủ phạm. Như vậy, các lực lượng cổ động viên quá khích có thể đã đạt được mục tiêu ngược: thay vì quét đi tàn dư của chế độ cũ, họ có thể giúp củng cố chính quyền quân sự.

Bạo loạn tái xuất

Sau thảm kịch Port Said, cho rằng cảnh sát không làm hết sức trong vụ việc, đông đảo người dân lại đổ xuống đường phố Cairo để biểu tình, xung đột với cảnh sát, biến thủ đô thành chiến trường đô thị suốt 4 ngày qua. Người biểu tình lại ném gạch đá về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng hơi cay.

Khi đám đông tiến tới tòa nhà Bộ Nội vụ (quản lý lực lượng cảnh sát), xung đột nổ ra, khiến 7 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương (tính đến tối 3-2).

Những người biểu tình nói, họ hành động không chỉ vì bóng đá; những cái chết vừa qua chỉ là điểm khởi đầu của nhiều bất công, áp bức sau khi chế độ Mubarak bị lật đổ. Theo nhiều người biểu tình, lực lượng an ninh bảo vệ giới cầm quyền quân sự nhiều hơn là người dân, trong khi cuộc cách mạng dân chủ lại sa lầy.

"Chúng tôi có mặt ở đây vì tất cả mọi điều, vì những người đã chết trên phố Mahmoud, phố Qasr al-Aini và tất cả những người bị họ (lực lượng an ninh) giết trong năm qua", Islam Said, sinh viên Đại học Cairo và là cổ động viên của Ahly, nói.

Theo các nhà phân tích, những xung đột như vậy dường như là hậu quả sự bất ổn định cố hữu của sự cai trị quân sự kéo dài. Nhiều người biểu tình nói rằng, các làn sóng phản đối sẽ không chấm dứt nếu chính quyền quân sự không nhường chỗ cho chính quyền dân sự để đảm bảo xã hội dân chủ.

Hội đồng quân sự cầm quyền cam kết sẽ chuyển giao quyền lực vào tháng 7, sau bầu cử tổng thống. Bạo lực tái bùng phát có thể tiếp sức cho các nhà hoạt động và đảng phái kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hơn, trước khi soạn thảo hiến pháp.

Thái An
Theo Time, CSMonitor, AP, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.