Van Persie và Bastian Schweinsteiger là những cầu thủ tỏa sáng trong trận đấu đêm qua. |
Mario Gomez, Bastian Schweinsteiger và Robin van Persie, đâu là điểm chung giữa 3 cầu thủ này? Câu trả lời rất đơn giản: họ chính là những nhân vật nổi bật nhất, tỏa sáng rực rỡ nhất trong cuộc đại chiến giữa Hà Lan và Đức rạng sáng nay. Hẳn nhiên rồi, song vẫn chưa đủ. Họ còn là những người đã bị “ném đá” nhiều nhất sau trận đấu ra quân.
Gomez bị báo chí Đức và cả cựu danh thủ M.Scholl chỉ trích thậm tệ, bất chấp việc đã ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Bồ Đào Nha. Chân sút gốc Tây Ban Nha bị coi là “chân gỗ”, hoang phí cơ hội và quá lười nhác trên sân (trong cả hiệp 1 trận mở màn, Gomez chỉ có đúng 8 lần chạm bóng). Thậm chí, còn xuất hiện nhan nhản những thông tin cho rằng, HLV J.Loew sẽ bỏ rơi tiền đạo của Bayern Munich để sử dụng Klose.
Với Schweinsteiger, người ta tiếp tục đặt dấu hỏi về phong độ của anh này sau một thời gian dài chấn thương. Giống như trận CK Champions League – trận đấu mà Schweini đã chơi không tốt (đồng thời còn là người trực tiếp đá hỏng quả penalty quyết định dâng chức vô địch cho Chelsea), những dấu ấn của nhạc trưởng ĐT Đức trước Bồ Đào Nha cũng là khá mờ nhạt. Thậm chí những kẻ độc miệng còn chẳng ngại ngần cho rằng, anh chính là gánh nặng của cả đội tại EURO lần này.
Van Persie chứng tỏ anh không phải thảm họa. |
Còn trường hợp của van Persie, trận khai sân gặp Đan Mạch xứng đáng coi là thảm họa. Chẳng ai còn nhận ra hình ảnh một van Perise siêu nhân, vua phá lưới giải Ngoại hạng, nỗi kinh hoàng của bất kì hàng phòng ngự nào. Thay vào đó là một RVP yếu ớt, ẻo lả và vô hại trên sân. van Persie chơi tệ đến mức, người đồng đội Huntelaar cảm thấy bất mãn đến mức chẳng ngại ngần tranh cãi anh mới là người xứng đáng được đá chính.
Rõ ràng cả 3 cái tên kể trên đều đã phải chịu đựng một sức ép khủng khiếp trước giờ bóng lăn. Sau một lần thất bại của riêng cá nhân mình, họ không được phép ngã thêm 1 lần nào nữa. Và hãy nhìn câu trả lời của họ trên sân.
Mario Gomez ghi một cú đúp để vươn lên dẫn đầu danh sách vua phá lưới. 2 pha dứt điểm mẫu mực và hoàn hảo ấy đủ khiến mọi tiếng xỉa xói nhằm vào anh phải im bặt. Đặc biệt, pha khống chế bóng trong bàn mở tỉ số của Gomez còn chẳng khác nào một pha múa ballet trên sân cỏ. Không ai khác chính Schweinsteiger là người đã có cả 2 đường chuyền sát thủ xé toang hàng phòng ngự áo da cam để Gomez lập công.
Hà Lan thảm bại, nhưng với cá nhân van Persie anh đã có một trận đấu thành công. Chân sút của Arsenal là cầu thủ chơi hay nhất bên phía cơn lốc màu da cam. Cú nã đại bác đẳng cấp không thể cản phá của RVP ở phút 73 đã mang về bàn thắng duy nhất cho nhà á quân thế giới. Nếu không có sự xuất sắc của Neuer – cản phá thành công một cú volley hóc hiểm trước đó thì van Persie đã có thể trở thành kẻ cứu rỗi cho cả dân tộc Hà Lan.
Gomez tỏa sáng với cú đúp bàn thắng. |
Mỗi người, mỗi vẻ, mỗi cách, nhưng cả Gomez, Schweinsteiger và van Persie đều đã biết cách bỏ lại sau lưng tất cả khó khăn, biến đó thành sức mạnh để ngay lập tức khẳng định mình, để tỏa sáng rực rỡ.
Cứ nhìn Gomez lạnh như băng sau khi lập cú đúp thì thấy khát khao chiến đấu của anh dữ dội đến thế nào. Nó giống như một lời tuyên bố đanh thép của cá nhân tiền đạo này rằng: “Hãy im miệng mà nhìn đi, mọi sự chỉ trích chỉ khiến tôi mạnh mẽ hơn mà thôi”.
Không chỉ từng cá nhân riêng lẻ, mà nhìn một cách tổng thể ĐT Đức cũng đã cho thấy sự trưởng thành đáng kể sau những thất bại. Sau cuộc cách mạng về lối chơi theo hướng cởi mở hơn, Die Mannschaft vẫn bị coi là thiếu chất quái của chính mình trong quá khứ. Nhưng sau 2 trận đấu ở EURO 2012, thày trò của HLV J.Loew đã thể hiện những sự tiến bộ đầy tích cực.
ĐT Đức đã không còn hồn nhiên, vô tư trong lối chơi. Khi cần họ cũng đã có thể chơi đầy thực dụng. Điển hình như việc ra tay hạ sát Bồ Đào Nha mà không cần tạo ra quá nhiều cơ hội, hay giải quyết gọn Hà Lan trong một thế trận còn rất giằng co.
Trên tất cả, hình ảnh các cầu thủ trẻ áo trắng đủng đỉnh làm chậm nhịp độ trận đấu, câu giờ trong những phút cuối là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi của người Đức.
Chưa đầy 1 tháng trước khi Bayern tạo ra lợi thế dẫn bàn trước Chelsea, đội bóng này vẫn cố đưa bóng vào trong vòng cấm để tấn công, thay vì giữ bóng ở cột cờ góc sân để kéo dài thời gian, để rồi phải trả giá đắt bằng cả danh hiệu Champions League cao quý. Còn lần này, dường như Chúa lại đã nói với người Đức chỉ 1 bàn là đủ giống như trong quá khứ (có tới 5/6 lần Đức vô địch World Cup hay Euro đội bóng này chỉ thắng cách biệt sát nút ở trận CK).
Một người đáng sợ không phải là chiến thắng bao nhiêu lần, mà là ở chỗ họ học được gì sau mỗi thất bại. Và với những gì người Đức đã thể hiện phần còn lại của Châu Âu hẳn cũng đã có lí do để mà phải rùng mình!