Đảng mạnh lên khi biết tự sửa chữa sai lầm

Đảng mạnh lên khi biết tự sửa chữa sai lầm
TP - Tổng Bí thư nói: “Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với một tình cảm hồ hởi, vui mừng, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân”.

> 'Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình Biển Đông là đúng'
> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tự phê bình, có tâm tư cho rằng 'không thành công'

Phóng viên: Nhìn nhận kết quả giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết, đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết ở cấp cao nhất của Đảng, theo đồng chí, có thể nói rằng kết quả đó đã đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đến nay có thể thấy Nghị quyết Trung ương 4 đã từng bước đi vào cuộc sống, được đảng viên và nhân dân ghi nhận.

Từng đảng viên, từng tổ chức đảng đã coi việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là sinh hoạt chính trị quan trọng vừa có tính cấp bách song cũng có tính lâu dài, thường xuyên, liên tục. Các mặt hạn chế của mỗi đảng viên, mỗi cơ sở đảng được chỉ ra trước đó đã từng bước được khắc phục. Niềm tin của nhân dân vào Đảng được tăng lên.

Riêng đối với việc tự phê bình và phê bình ở cấp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm và gương mẫu.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều hết sức thấm thía, day dứt trước những thiếu sót, khuyết điểm, tự nhận thấy phải nghiêm khắc với mình hơn, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết, đổi mới lề lối làm việc; gương mẫu giữ gìn đạo đức, lối sống; đoàn kết, gắn bó...

Nhiều đồng chí đã tự giác xem xét, nhìn lại mình, bước đầu có tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh một số hành vi trong công tác và cuộc sống hằng ngày của mình, của gia đình, vợ con và người thân.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua và xin nghiêm túc tự phê bình nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục.

Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, dù đạt được kết quả như vậy, song dư luận cũng đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo lắng liệu Nghị quyết có tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của tất cả chúng ta. Ngay tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, khi đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta càng phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân, xiết chặt đội ngũ, tăng cường đoàn kết, thống nhất, giữ vững niềm tin, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, lại được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, đủ bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự mong đợi và niềm tin của cả dân tộc.

Phóng viên: Từ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thời gian vừa qua, theo Tổng Bí thư đâu là những kinh nghiệm quý để chúng ta tiếp tục phát huy trong thời gian sắp tới?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

 Lịch sử Đảng ta cũng cho thấy, một khi Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và tự nghiêm khắc, quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng. 

Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Thái độ nể nang, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng và cần phải cảnh giác, ngăn chặn.

Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Tự phê bình và phê bình còn là giải pháp để phát hiện, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới.

Trong lịch sử Đảng ta cũng cho thấy, một khi Đảng tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm và tự nghiêm khắc, quyết tâm khắc phục, sửa chữa thì sức mạnh của Đảng càng được nâng lên; nhân dân càng tin yêu và ủng hộ Đảng.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, điều đó càng hết sức cần thiết. Đó cũng chính là một bài học sâu sắc, một nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự vững mạnh của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị và sự phát triển bền vững của đất nước.

Phóng viên: Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X vừa qua, Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ rõ còn một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin… Nhân dịp năm mới, Tổng Bí thư có điều gì gửi gắm đến các bạn trẻ cả nước?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những năm gần đây, trên nhiều lĩnh vực đã xuất hiện nhiều thanh niên tiên tiến, nhiều tổ chức Đoàn xuất sắc. Nhiều hoạt động có ý nghĩa của đoàn đã tạo được dấu ấn tốt trong xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của đất nước, vừa khẳng định vai trò tiền phong, xung kích của Đoàn Thanh niên.

Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu ý đến một bộ phận thanh thiếu niên còn có những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hoá dân tộc... Đây là những vấn đề rất đáng lo ngại, trong đó tổ chức đoàn có phần trách nhiệm lớn.

Trong thời gian tới, tổ chức đoàn, hội và từ chính mỗi đoàn viên, thanh niên phải đặc biệt coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về mục tiêu lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên.

Tiến hành giáo dục thanh thiếu niên bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn, thông qua những việc làm thiết thực, kết hợp với việc giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội và phù hợp với từng đối tượng. Đây vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Đoàn cần giúp Đảng xây dựng một thế hệ thanh niên có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sức sáng tạo để kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để đảm đương trọng trách công việc trong thời kỳ mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư.

Đoàn cần giúp Đảng xây dựng một thế hệ thanh niên có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sức sáng tạo để kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

 

Phùng Sưởng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG