Đăng ký cùng lúc nhiều cuộc thi, học sinh quay cuồng học chính, học thêm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều học sinh lớp 12 năm nay chia sẻ trạng thái căng thẳng, áp lực vì đối mặt với nhiều kỳ thi. Có em mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng, thời gian còn lại kín lịch học chính, học thêm, luyện IELTS…

Những ngày này, học sinh lớp 12 các trường đang quay cuồng với lịch học chính, học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT và các kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực, thi IELTS…. Nhiều em cho biết, đối mặt với các kỳ thi lớn có tâm lí hoang mang, áp lực vì không biết kết quả sẽ ra sao, nhất là việc lựa chọn ngành nghề liệu có đúng?

Đăng ký cùng lúc nhiều cuộc thi, học sinh quay cuồng học chính, học thêm ảnh 1

Giáo viên kiểm tra bài trên lớp của học sinh lớp 12 tại Hà Nội.

Em Quỳnh Châu, 12A7, Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) chia sẻ, càng gần đến kỳ thi Tốt nghiệp THPT càng cảm thấy khá căng thẳng, áp lực.

Châu hướng theo ban A (Toán, Vật lí, Hóa học) nhưng chưa tự tin kiến thức của Vật Lí và Hoá học nên phải học thêm 7 buổi/ tuần. Ngoài thời gian học chính trên lớp, Châu dành các buổi chiều ở các lớp luyện thi. Kỳ thi tuy kiến thức tập trung lớp 12 nhưng cũng có tỉ lệ câu hỏi ở lớp 11 trong khi năm ngoái vì COVID-19, các trường dạy học trực tuyến hiệu quả không được như mong muốn.

Theo Quỳnh Châu, em và các bạn đã đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia nhưng với tâm lý thi cho biết, không lấy kết quả này để xét tuyển bởi vì chưa tự tin, sợ điểm không cao.

“Trước đó, em đã làm thử đề kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG thấy kiến thức dàn trải ở 8 môn, xuyên suốt 3 năm THPT rất khó. Như vậy, nếu xác định ôn theo hướng dự các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phải có kế hoạch dài hơi, kỹ càng, toàn diện và đòi hỏi nhanh nhạy khi làm đề. Điều này khác nhiều so với kỳ thi Tốt nghiệp THPT”, Châu nói.

Chung nỗi lo, Giang Anh, học sinh lớp 12A14, Trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ, em may mắn sinh ra trong gia đình có bố mẹ không thúc ép việc học, thay vào đó để con tự giác. Tuy nhiên, năm học cuối cấp em cũng cảm thấy lo lắng, hoang mang, tâm trạng mông lung khi phải quyết định chọn ngành nghề. Với Giang Anh việc này áp lực lớn nhưng đành phải cố gắng hết sức để thế nào cũng không được hối hận.

Chia sẻ, năm nay em sẽ dự 2 kỳ thi gồm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để lấy điểm xét tốt nghiệp, xét vào ngành Báo chí của Học viện báo chí tuyên truyền và chờ phương án tuyển sinh của Trường ĐH Sân Khấu điện ảnh. Để chuẩn bị kiến thức cho 2 kỳ thi lớn, em cũng học thêm các môn văn hoá ở trung tâm luyện thi, học lớp diễn xuất. Ngoài việc kín lịch ở trường, ở các trung tâm, mỗi tối thường khoảng 7 giờ 30 em ngồi vào bàn để học và ôn các dạng bài, bắt đầu luyện đề để rèn kỹ năng đến khuya mới đi ngủ.

Phương thức học của Giang Anh là lên lịch học 6 môn thi tốt nghiệp để học đều kiến thức, tránh dành quá nhiều thời gian cho môn này, bỏ bê môn khác.

Không xác định mục tiêu từ đầu

Còn Trần Thùy Dương, lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, việc các trường ĐH có nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ tăng cơ hội cho học sinh nhưng cũng gây không ít áp lực.

Thời điểm này, Dương vừa ôn thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ôn thi tốt nghiệp THPT kín lịch từ thứ 2 đến cuối tuần. Chưa kể, từ sớm gia đình không đầu tư học IELTS, đến năm nay mới xác định chạy nước rút với mục tiêu dành được 7.0 điểm IELTS khiến em đến hụt hơi vì chạy sô học thêm, luyện thi.

“Ban ngày em học chính trên lớp, học thêm các môn ở ngoài đến tối lại luyện IELTS, làm bài tập, tự ôn ở nhà đến khuya nên lúc nào cũng thiếu ngủ tuy nhiên từ nay đến các kỳ thi không còn nhiều thời gian, đành phải nỗ lực hết sức”, Trần Thuỳ Dương nói.

Trong khi đó, một giáo viên bậc THPT ở Hà Nội cho rằng, nhiều phương thức thi tuyển, thêm các kỳ thi tuyển sinh ĐH không phải là nguyên nhân gây áp lực cho học sinh. Áp lực là do các em không có kế hoạch, xác định mục tiêu ngay từ đầu. Đến thời điểm này vẫn có học sinh xin ý kiến tư vấn của giáo viên với combo thi gồm: tháng 4 thi đánh giá năng lực, tháng 5 thi IELTS, tháng 7 thi Tốt nghiệp THPT.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra đầu tháng 7 tới trong thời gian 2,5 ngày với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông.

Đề thi sẽ vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Cụ thể, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nội dung, kiến thức ở lớp 12. Tuy nhiên, đề sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục ĐH cũng đã thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh.

MỚI - NÓNG