Thị xã Ayun Pa:

Đang hình thành đô thị trung tâm

Cụm công nghiệp mía đường nhiệt điện Ayun Pa
Cụm công nghiệp mía đường nhiệt điện Ayun Pa
TP - Chập chững trở thành thị xã ở tuổi lên bảy, từ thị trấn và một số xã của huyện Ayun Pa, bây giờ vùng đất pha cát chỉ mọc lên những chóp núi, những cụm rừng, những mái nhà cũ kỹ ngày nào, đang “thay da đổi thịt” theo hướng văn minh, hiện đại, khang trang.

Anh Nây Bưng- Bí thư Đoàn xã Ia Rtô đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh các buôn: Buôn Jư Ama Nai, Buôn Phu Ama Nher I… Những con đường bụi đất nhếch nhác lầy lội ngày nào giờ đã bê tông hoá cùng đường cuối xóm, những mái nhà sàn từ ọp ẹp tạm bợ, đang được thay dần bởi những căn nhà kiên cố, xinh đẹp, tôi thầm thán phục khả năng quan sát và chiêm nghiệm của Chủ tịch UBND thị xã ông Đỗ Tiến Đông: Từng làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đi nhiều địa phương trong tỉnh, song khi về Ayun Pa tôi thấy vùng đất này tuy vẫn còn nghèo nhưng bà con người Jrai ở đây có một đặc tính rất đáng quý là chắt chiu dần từng cành cây, tấm gỗ để tích luỹ xây dựng nên những ngôi nhà đẹp, kiên cố.

Hình thành từ thị trấn Ayun Pa và 3 xã vùng ven là Ia Rtô, Ia Sao và Ia Rbol, đến nay thị xã Ayun Pa đã có 4 phường nội thị và 4 xã vùng ven, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49% dân số. Ayun Pa có vị trí địa lý khá thuận lợi: Đô thị nằm ở ngã ba sông (sông Ayun và sông Ba), là trung tâm giao thông kết nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ qua quốc lộ 25, xẻ dọc Tây Nguyên bằng đường Đông Trường Sơn, rồi tỉnh lộ 668 từ Ayun Pa qua thị trấn Ea H’Leo-Đăk Lăk nối với quốc lộ 14. Những con đường này đang đầu tư, khi khai thông sẽ là động lực quan trọng tạo nên sức bật cho Ayun Pa.

Dăm năm về trước, đến Ayun Pa du khách thật sự nản lòng khi qua đêm không tìm được chỗ trọ thì ngày nay khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán, nơi vui chơi, giải trí bắt đầu níu chân khách thập phương. Người phương xa đến Ayun Pa ngoài việc tìm hoài niệm về một Cheo Reo, Phú Bổn, đường 7 để chiêm nghiệm trận chiến oai hùng và cuộc tháo chạy của quân Ngụy khỏi Tây Nguyên, đánh dấu bước sụp đổ hoàn toàn của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, thống nhất đất nước; không thể bỏ qua hương vị thơm ngon của cá phá, cá chốt sông Ba đánh bắt ăn ngay tại chân đèo Tô Na. Rồi Bến Mộng, khu du lịch Suối Đá đang được đầu tư trở lại để làm hài lòng du khách.

Ayun Pa chuyển mình thay đổi được đúc kết qua những con số nóng hổi của năm 2013 phản ánh tình hình kinh tế xã hội: Giá trị sản xuất Nông- Lâm - Ngư nghiệp đạt 221 tỉ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 13,17%; Công nghiệp-XDCB đạt 969 tỉ đồng chiếm 57,81%; Thương mại-Dịch vụ đạt 486,5 tỉ đồng, chiếm 29% tổng giá trị sản xuất. Các ngành sản xuất công nghiệp như mía đường, nhiệt điện, chế biến hạt điều, sơ chế thuốc lá, sản xuất gạch ngói, may mặc, siêu thị, công viên… được lãnh đạo thị xã quan tâm khuyến khích đầu tư.

Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa ông Châu Ngọc Tuấn cho biết: Năm 2014 thị xã đặt mục tiêu: Tập trung mọi nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để đầu tư tạo ra bước phát triển nhanh và bền vững về kinh tế. Chú trọng đầu tư cho ngành công nghiệp, nhất là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng. Chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, ưu tiên các loại cây, con giống có giá trị hàng hoá và hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo và y tế; Cải thiện một bước đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, kiềm chế có hiệu quả tai nạn giao thông, tạo môi trường chính trị ổn định cho kinh tế thị xã phát triển nhanh và toàn diện.

MỚI - NÓNG