Xây dựng chợ Vĩnh Hải mới ở Nha Trang (Khánh Hòa):

Dân thiệt, dự án treo

Dân thiệt, dự án treo
TP - Với chủ trương tạo vốn từ quỹ đất, chủ đầu tư đã không thể giải quyết được hài hòa giữa quyền lợi của người bị thu hồi đất và vốn xây dựng chợ. 

Từ một tháng nay, gia đình anh Lê Văn Dũng ở tổ 2 Tây Nam, phường Vĩnh Hải phải tá túc ở nhà lồng số 1 của chợ Vĩnh Hải (CVH), sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất.

Họ bị giải tỏa trắng 127m2 đất, trên đó có căn nhà rộng 83m2, chỉ được đền bù cả đất lẫn nhà 54.560.200 đồng, nhưng phải nộp 240.963.000 đồng cho 77,73m2 đất tái định cư (TĐC).

Nghĩa là, họ vừa mất 50m2 đất và nhà ở, vừa “được” cục nợ gần 200 triệu đồng. “Quá phũ phàng! Vợ chồng tôi chạy xe ôm và buôn bán vặt ở chợ, mỗi tháng được chừng 3 triệu đồng. Giỏi tằn tiện thì trả được lãi nợ, còn nợ gốc, cả đời cũng không trả nổi” – Anh Dũng bức xúc nói. 

Ở vào tình trạng tương tự như gia đình anh Dũng, nhiều hộ gia đình ở địa phương nêu trên mặc dù bất bình nhưng sợ thiệt hại tài sản nếu cũng bị cưỡng chế như gia đình anh Dũng, nên họ đành “tự giác” dọn vào nhà lồng số 1. Nhà lồng này được xây dựng năm 2005 rồi bỏ hoang.   

Vợ chồng anh Quang Nhật Mạnh có lô đất 402m2, lập CLB Thanh niên Vĩnh Hải từ năm 1987, nhiều VĐV khuyết tật như Châu Hoàng Tuyết Loan, Nguyễn Văn Hùng… đã được rèn tập tại đây để giành nhiều huy chương thể thao quốc gia, quốc tế.

Nhưng UBND thành phố Nha Trang đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ lô đất của anh Mạnh để xây dựng CVH mới dù chưa có đất TĐC cho gia đình anh, thậm chí chưa có quyết định thu hồi đất.  

“Lấy mỡ rán mỡ”, phớt lờ Nghị định 22

Dân thiệt, dự án treo ảnh 1Điều cán bộ cơ sở chúng tôi đau xót nhất không phải là Nhà nước lấy của dân một tỷ hay mấy trăm triệu đồng, hoặc là Nhà nước mất một tỷ hay mấy trăm triệu đồng.

Điều chúng tôi đau nhất, lo nhất là lòng tin của người dân vào chính quyền bị giảm sút trước việc giải quyết đền bù như thế nàyDân thiệt, dự án treo ảnh 2

Ông Lê Văn Long Đảng ủy viên phường Vĩnh Hải

Dự án xây dựng CVH mới được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt năm 2001. Trong cơ cấu vốn đầu tư hơn 22 tỷ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 7%.

Hầu hết vốn xây dựng và tiền đền bù giải tỏa đều trông vào tiền bán đấu giá đất thu hồi, nôm na là “lấy mỡ nó rán nó”! Vô hình trung, đã nảy sinh quan hệ tỉ lệ nghịch giữa diện tích đất TĐC cho các hộ bị thu hồi đất và quỹ đất bán đấu giá, giữa số tiền đền bù và vốn để xây dựng chợ.

Tháng 5/2002, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy định về nguyên tắc bồi thường và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khánh Hòa (QĐ77).

Hội Luật gia Nha Trang và Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hoà đã chỉ ra trong QĐ77 có nhiều điểm trái Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ22), gây thiệt thòi cho quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Nhưng khi tính toán đền bù cho các hộ bị thu hồi đất ở CVH và trong các quyết định giải quyết khiếu nại của họ, UBND thành phố Nha Trang chỉ căn cứ vào QĐ77, không căn cứ vào NĐ22.

Vì vậy, có những trường hợp lẽ ra được đền bù đất theo giá đất ở chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp trong đô thị, trường hợp lẽ ra được đền bù đất theo giá đất nông nghiệp trong đô thị lại chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp.

Quy định của NĐ22 về việc áp dụng hệ số K, để giá đất đền bù phù hợp với khả năng sinh lợi và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế cũng bị “quên”. Thậm chí, giá đất để tính tiền đền bù còn thấp hơn cả giá đất do tỉnh quy định.

Chẳng hạn, anh Mạnh có 402m2 đất mặt tiền đường 2/4 nhưng được đền bù 252m2 theo giá đất nông nghiệp, 150m2 được đền bù với giá 5.000.000đồng/m2, trong khi giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định là 5.200.000đồng/m2, còn giá chuyển nhượng thực tế khoảng 4 cây vàng mỗi m2. 

Trong khi người bị thu hồi đất thiệt thòi, cuộc sống bất an, dự án xây dựng CVH mới cũng ì ạch vì không chủ động về kinh phí.

Loạt bài “Một CLB Thanh niên sẽ bị xóa sổ phũ phàng?” đăng trên Tiền phong năm 2004 và năm 2005 đã nêu nguyên nhân cơ bản của tình trạng “dân thiệt, dự án treo” là do chủ trương lấy đất làm chợ, “lấy mỡ nó rán nó”.

Tỉnh Khánh Hòa đã dùng tiền ngân sách để tổ chức hoặc hỗ trợ cho khá nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, tại sao không thể chi ngân sách cho việc xây dựng CVH, nhất là để chi trả đền bù cho người bị thu hồi đất?

MỚI - NÓNG