Dân phong tỏa vườn cao su vì doanh nghiệp “lật kèo”

Dân phong tỏa vườn cao su vì doanh nghiệp “lật kèo”
TP - Hàng chục hộ dân ở các thôn Thanh Bình và thôn Thanh Xuân xã Ea Kênh huyện Krông Păk đã phong tỏa đường vào vườn cao su rộng 76,8ha do Cty lâm nghiệp Phước An quản lý khiến đơn vị này không thể khai thác mủ, gây lãng phí hàng tỷ đồng.

Ông Lục Văn Bến, nguyên Chủ nhiệm HTX Thanh Bình, thay mặt người dân hai thôn  Thanh Bình và Thanh Xuân phản ánh: Người dân hai thôn này đã khai hoang đất và sản xuất ổn định tại đây từ năm 1982.

Đến năm 1993, chính quyền huyện, xã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để trồng cao su theo chương trình 327: Nhà nước cho vay vốn trồng cao su, sau khi vườn cây có thu hoạch sẽ hoàn trả vốn dần.

Lúc bấy giờ, Lâm trường Phước An (sau này đổi tên thành Cty lâm nghiệp Phước An) được giao quản lý chương trình trồng cao su trên địa bàn. Cty đại diện tư cách pháp nhân vay vốn, mua giống, phân bón và quản lý kỹ thuật. Người dân bỏ công đào hố, trồng và chăm sóc cây cao su trên diện tích đất của mình với mức hỗ trợ là 35.000đồng/1.000m2 đất/năm.

Năm 2000, vườn cây bắt đầu cho mủ, phía Cty ra giá: Người dân được hưởng 35% lợi tức sau khi trừ mọi chi phí, còn Cty được hưởng 65%.

Tuy không vừa lòng với mức ăn chia này, nhưng người dân ở Thanh Bình và Thanh Xuân cũng đành chấp nhận vì nghĩ rằng với giá cao su đang ngày một tăng cao thì khoản lợi nhuận 35% cũng đủ để họ trang trải cuộc sống và có tích lũy.

Thế nhưng, đến đầu mùa thu hoạch năm nay, phía Cty Lâm nghiệp Phước An họp dân lại và ra tuyên bố: Toàn bộ diện tích 76,8ha cao su trên là đất của công ty, nên từ nay sẽ không có chuyện người dân được chia 35% lợi nhuận nữa.

Bức xúc vì cho rằng Cty “lật kèo”, người dân thôn Thanh Bình và Thanh Xuân đã phản đối, yêu cầu được tự đứng ra quản lý vườn cây và tự tính toán việc hoàn trả vốn đầu tư ban đầu cho nhà nước.

Yêu cầu này không được đáp ứng, họ đã cùng nhau phong tỏa các tuyến đường vào vườn cây không cho bất cứ công nhân nào vào khai thác mủ.

Lý do để người dân hai thôn Thanh Bình và Thanh Xuân tự tin khẳng định phía công ty đã “lật kèo” là  từ năm 1998 họ đã được UBND huyện Krông Păk cấp cho 97 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất trồng cao su này. Các giấy CNQSDĐ  sau đó được xã “giữ làm tin” cho đến khi vườn cây hoàn trả lại toàn bộ nguồn vốn đầu tư của nhà nước.

Huyện cấp giấy CNQSDĐ nhầm đối tượng (!?)

Khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Cty Lâm nghiệp Phước An lại đau khổ cho rằng Cty là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm gây ra vụ “lật kèo”, ông còn bức xúc cho biết:

“Cty đã báo cáo vụ việc với các cấp chính quyền nhờ can thiệp, nhưng không hiểu sao họ lại cứ chần chừ, khiến cho mỗi tháng Cty bị thiệt hại gần nửa tỷ đồng vì không thể khai thác mủ cao su”.

Ông Dũng đưa ra nhiều loại giấy tờ để chứng minh toàn bộ diện tích đất trên thuộc về chủ quyền của Cty, gồm: Tờ trình về quy hoạch đất trồng cao su, tờ trình xin đầu tư trồng cao su, quyết định giao đất trồng cao su, biên bản xác định đất trồng cao su, phiếu thẩm tra thiết kế kỹ thuật dự toán dự án trồng cao su.

Ông Dũng cho biết thêm: Huyện đã thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại diện tích đất trên cho người dân hai thôn Thanh Bình và Thanh Xuân là sai và đã đề nghị thu hồi các giấy CNQSDĐ này để cấp lại cho Cty Lâm nghiệp Phước An.

Về việc huyện thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp cho dân để cấp lại cho Cty, chúng tôi được biết ngày 26/5/2006 UBND huyện Krông Păk đã ra thông báo số 17 cho rằng 76,8ha đất trồng cao su ở hai thôn Thanh Bình và Thanh Xuân thuộc thẩm quyền quản lý và sử dụng của Lâm trường Phước An.

Phản ứng về thông báo số 17 của UBND huyện Krông Păk, người dân ở thôn Thanh Bình và Thanh Xuân tỏ ra bức xúc:  Nếu thừa nhận diện tích đất trên là đất của lâm trường thì tại sao lại để họ yên ổn sản xuất mãi từ năm 1982, thậm chí sau đó còn thu thuế đất và cấp giấy CNQSDĐ cho dân?

Tại sao phải đợi đến năm 2006 tức vào thời điểm giá cao su vọt lên cao huyện mới đòi thu hồi lại giấy CNQSDĐ của dân để cấp lại cho Cty?

Trước những những câu hỏi này, lãnh đạo huyện Krông Păk chỉ cho rằng họ đã cấp gần trăm giấy CNQSDĐ trên nhầm đối tượng (!?) 

MỚI - NÓNG