Dân nhậu ở TPHCM về nhà như thế nào sau mỗi cuộc 'chén chú chén anh'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của CSGT, nhiều dân nhậu tại TPHCM đã đặt xe ôm, thuê người lái xe hộ hoặc gửi xe qua đêm tại quán thay vì tự lái xe về nhà như trước. 

Tiền phạt nồng độ cồn bằng cả tháng lương

Tối 16/12, sau khi tham dự buổi tiệc sinh nhật bạn tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức, TPHCM), ông Thanh (50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) mặt đỏ bừng nhưng dáng vẻ vẫn còn tỉnh táo, ra trước quán đứng đợi xe đến đón.

Vài phút sau, một tài xế trẻ đã có mặt tại quán, đưa nón bảo hiểm cho ông Thanh và dặn: “Chú cài nón bảo hiểm và kiểm tra kỹ lại điện thoại, ví tiền. Con sẽ chạy chậm, khi nào mệt quá chú báo cho con”. Sau câu nói đó, ông Thanh nhanh chóng lên xe, chiếc xe khuất dần theo hướng về quận Gò Vấp.

Nói về lý do đặt xe ôm công nghệ thay vì chạy xe về nhà, ông Thanh chia sẻ, với quãng đường gần 10 km từ quán nhậu về nhà, có tới 2 chốt kiểm tra nồng độ cồn của CSGT. Nếu đi xe máy và chẳng may bị phạt nồng độ cồn thì phải nộp phạt bằng cả tháng lương.

“Đi xe ôm công nghệ chỉ tốn khoảng 200.000 đồng cho 2 lượt đi và về, không lo bị phạt mà vợ con ở nhà cũng đỡ lo” - ông Thanh nói.

Dân nhậu ở TPHCM về nhà như thế nào sau mỗi cuộc 'chén chú chén anh'? ảnh 1
Nhiều khách nhậu tại TPHCM lựa chọn đặt xe về nhà thay vì tự lái xe

“Chưa say có thể lái xe”, “Bắt xe ôm tốn tiền”, “Nhà gần tự chạy xe được”... thường là lý do khách nhậu lâu này biện minh cho việc tự lái xe về nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh CSGT ra quân kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm trong đợt cao điểm cuối năm, những lý do này dường như đã giảm hẳn. Đặt xe công nghệ, thuê người chở về nhà thay vì tự lái xe đã dần trở thành thói quen của dân nhậu TPHCM.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, dịch vụ lái xe đưa dân nhậu về nhà trở nên thịnh hành hơn. Gọi theo số điện thoại từ thông tin dán ở một quán nhậu trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) với nội dung “Uống say gọi tôi” – dịch vụ lái xe hộ (cả xe máy lẫn ô tô) đưa đón khách về nhà..., phóng viên được yêu cầu cung cấp địa chỉ quán, địa chỉ nhà, thời gian cần đón... để tính chi phí.

Theo đó, với dịch vụ đón khách bằng ô tô, cự ly dưới 3km sẽ tính phí 170.000 đồng/chuyến, từ 3 - 5km sẽ là 200.000 đồng/chuyến. Từ 5km trở lên, giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng cộng với 15.000 đồng/km vượt. Tài xế có bằng lái đầy đủ, làm việc mọi khung giờ trong ngày.

Dân nhậu ở TPHCM về nhà như thế nào sau mỗi cuộc 'chén chú chén anh'? ảnh 2

Một quán nhậu tại quận 10 (TPHCM) đông đúc khách vào cuối tuần

Liên hệ với một số điện thoại khác, chúng tôi gặp anh Bảo (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức). Anh này làm công việc văn phòng vào ban ngày và mỗi tối làm thêm dịch vụ lái xe đưa khách uống bia rượu về nhà để kiếm thêm thu nhập. Nam tài xế này đã có thâm niên gần 2 năm trong nghề. Anh đánh giá dịch vụ lái xe hộ cho khách say đã “bão hoà”.

Theo anh Bảo, từ khi CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, nhiều thực khách lựa chọn đi xe ôm, taxi cả 2 chiều cho mỗi lần đến quán nhậu, ít người tự lái xe tới quán. Ngoài ra, nhiều quán nhậu cho khách hàng gửi xe qua đêm miễn phí nên nhiều người lựa chọn dịch vụ này thay vì nhờ người lái nhằm tiết kiệm chi phí.

“Cuối năm ngoái, dường như đêm nào tôi cũng có khách, cuối tuần có khi phải từ chối khách vì nhu cầu quá lớn. Vài tháng nay, mỗi tháng tôi chỉ có 2 - 3 khách dù đã chạy quảng cáo trên trang fanpage, đăng thông tin lên hội nhóm và dán thông tin ở rất nhiều quán nhậu. Đây chỉ là dịch vụ kiếm thêm chứ không thể làm chính thức vì nhu cầu hiện nay đã giảm mạnh” - anh Bảo nói.

Tài xế này còn cho biết, nghề lái xe hộ cũng có những chuyện “dở khóc dở cười” như khách không nhớ địa chỉ nhà, nôn ói trên xe hay tưởng nhầm lái xe là “kẻ trộm”... Để phòng tránh, mỗi khi nhận xe, nam tài xế sẽ quan sát kỹ xem xe có trầy xước không rồi quay video lại để làm bằng chứng.

Tìm cách thích ứng

Theo ghi nhận của phóng viên nhiều quán nhậu dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Hoàng Sa, Trường Sa (quận 1) đã cho gắn biển thông báo “Quán có giữ xe qua đêm miễn phí”.

Anh Nam, chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, cho biết từ đầu năm đến nay, quán của anh phải mở thêm dịch vụ trông giữ xe qua đêm do nhu cầu tăng cao của khách. Với dịch vụ này, quán không thu phí nhằm giữ chân khách. Các chủ quán cũng thường xuyên dặn dò nhân viên hướng dẫn khách đặt xe khi có nhu cầu.

Dân nhậu ở TPHCM về nhà như thế nào sau mỗi cuộc 'chén chú chén anh'? ảnh 3

Một quán nhậu tại TPHCM gắn biển thông báo giữ xe qua đêm miễn phí và yêu cầu khách quay lại lấy xe từ 10h ngày tiếp theo.

“Khách muốn giữ xe tại quán hay cần đặt xe chúng tôi đều niềm nở. Có người vui vẻ còn bo thêm cho nhân viên. Số người đã uống say nhưng cương quyết lái xe về nhà hiện nay rất hiếm. Như vậy, tôi cũng thấy yên tâm hơn vì không ai muốn khách xảy ra những việc không may” - anh Nam chia sẻ.

Trong kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khoá X diễn ra ngày 7/12, thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM nhìn nhận, trong năm vừa qua, số người chết do tai nạn giao thông tại TPHCM đã giảm 99 người. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, tai nạn giao thông ở TPHCM được kiềm chế và kéo giảm. Tuy vậy, con số này hiện nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Dân nhậu ở TPHCM về nhà như thế nào sau mỗi cuộc 'chén chú chén anh'? ảnh 4
CSGT ra quân kiểm tra nồng độ cồn tại TPHCM

“Hiện nay, một năm có đến 600 người chết vì tai nạn giao thông tại TPHCM. Tôi mong rằng người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông để lập lại trật tự, bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và của xã hội”, thiếu tướng Tài nói.

Thiếu tướng Tài khẳng định việc CSGT ra quân kiểm tra nồng độ cồn thời gian gần đây không gây ùn tắc giao thông, xáo trộn trật tự xã hội. Tất cả việc kiểm tra nồng độ cồn không sử dụng chung đầu thổi mà đều có đầu thổi riêng.

MỚI - NÓNG