Cụ thể, ngày 7/6, khách lấy tên P.T đặt 20 ly trà sữa qua ứng dụng GrabFood với đơn hàng trị giá 1,2 triệu đồng. Khách này khẳng định với shipper rằng đặt hàng nghiêm túc và tự nhận là người đàng hoàng. Song khi shipper giao trà sữa đến thì khách đó lại boom hàng với lời nhắn: "Thôi mình boom nha".
Sau đó, khách tên P.T tiếp tục đặt 2 đơn trà sữa khác với trị giá 1,6 triệu đồng và 1,3 triệu đồng qua ứng dụng rồi tiếp tục “bùng”.
Rất nhanh chóng, dân mạng tìm ra danh tính, địa chỉ Facebook và nhà riêng của người bị nghi boom 4,1 triệu đồng tiền trà sữa. Đó là cô gái tên P.T.A.T, 18 tuổi, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Thông tin cá nhân về P.T bị phát tán khắp nơi trên Facebook.
Thế là dân mạng đổ xô vào Facebook của P.T.A.T chửi bới và đe dọa. Sự việc khiến cô gái hoảng sợ phải khóa tài khoản Facebook. Một số người thậm chí kéo tới nhà P.T ở Vũng Tàu để làm cho ra lẽ.
Tuy nhiên, P.T đã đăng facebook và khẳng định mình bị oan. Cụ thể hơn, P.T cho biết người boom 3 đơn hàng trà sữa là em trai cô. Theo P.T, mẹ cô nói dối con gái bỏ quên điện thoại ở nhà vì muốn giấu tội cho con trai.
“Em trai em xài điện thoại của mẹ em nhưng cần mã xác nhận từ số điện thoại của em, vì trước đó em trai em đã dùng số điện thoại của mẹ để đăng ký và boom GrabShare (theo lời em trai em đã nhận, sau này gia đình mới biết), dẫn đến bị khóa tài khoản số điện thoại của mẹ em, nên hôm nay nó phải điền số em để phá tiếp.
Lúc em trai em đặt xong, anh ship hàng có nhắn tin bằng ứng dụng Grap và em trai em trả lời là “gọi vào số 0975482453” - số của mẹ em, sau đó em trai em nghe máy và xác nhận, chứ em không có xác nhận đã đặt ạ. Sau này đọc Facebook mới biết em trai em, sau vụ boom 1 triệu 2 nó đã boom thêm 2 vụ khác” – P.T trần tình viết trên Facebook.
P.T cho hay sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu là người boom trà sữa. Cô gái này cũng cho biết sẽ cùng gia đình lên công ty Grab cầu cứu và không quên xin lỗi các shipper vì tội lỗi cho em trai gây ra?! Bên cạnh đó, P.T khẳng định những lời thách thức dân mạng do tài khoản Facebook mạo danh cô đăng tải.
Thực tế, việc nhiều khách đặt hàng thức ăn qua app, ứng dụng do các anh shipper giao đến rồi không ra nhận, khiến shipper phải ôm hàng đã từng diễn ra gần đây.
Hồi đầu năm 2019, một tài xế xe ôm công nghệ đăng hình 36 ly trà sữa được đặt mua hộ, khi giao tới nơi thì không liên lạc được với khách hàng.
Dân mạng cũng từng xôn xao câu chuyện 1 tài xế Grab nhận một đơn khách hàng mua gồm 12 chiếc bánh mỳ và 6 ly trà sữa, tổng cộng số tiền là 400.000 đồng. Tuy nhiên, như các chiêu bùng hàng kinh điển, anh xế không thể liên lạc với chủ đơn và đành lòng cầm số hàng đó vào quán nước ven đường xử lý.
Hay mới là anh tài xế nhận được đơn hàng là bánh kem giá 300.000 đồng ở Q.4, giao qua Q.9 nhưng chờ cả buổi vẫn không liên lạc được, gọi điện thoại thì không ai ra nhận.
Bác tài xế già của hãng Go-Viet bày tỏ nỗi lòng bị boom hàng khiến nhiều người ngậm ngùi. Chẳng là chú nhận được đơn hàng 1 ly trà sữa của một hãng rất nổi tiếng. Sau khi xếp hàng cả chục phút, cầm được ly trà sữa chạy đi giao thì hỡi ơi, người đặt hàng đã “bật vô âm tín”.
“Ly trà sữa này rất đắt, đắt hơn cả phí giao hàng nữa. Cả đời tôi cũng chưa bao giờ được uống ly trà sữa sang như thế này. Bây giờ họ đặt rồi mà không lấy thì tôi biết phải làm sao!” – bác tài xế đau xót.