Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bến cảng Hợp Thịnh ở thị trấn Cửa Việt của huyện Gio Linh do Cty TNHH MTV Hợp Thịnh (địa chỉ thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động năm 2017. Từ đó đến nay, 68 hộ dân thị trấn biển này phải sống trong cảnh ngột ngạt do các loại khói, bụi của xe cộ vào ra, tập kết, bốc xếp hàng.
Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm ảnh 1

Bến cảng Hợp Thịnh nằm sát khu dân cư đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề về môi trường.

Từ phản ánh của người dân, ngày 5/5, chúng tôi có mặt tại khu vực bến cảng Hợp Thịnh để tìm hiểu thực hư vấn đề. Đập vào mắt PV, con đường vào bến cảng cũng là con đường vào nhà dân của 68 hộ với hơn 250 nhân khẩu ở khu phố 6 ngày đêm tất bật ô tô, xe container khiến xe đạp, người già, trẻ con qua lại đây đều phải nép sát vào lề đường để tránh.

Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm ảnh 2
Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm ảnh 3
Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm ảnh 4

Nhiều lúc bụi dựng thành từng cột cao, do gió ngược lên từ biển, xoáy vào các đống than đá, thạch cao, clinker được chất cao từng đống, tạo nên. Những cột bụi quét qua người đi đường, khiến bà con phải dừng hẳn lại, số đi bộ thì ngồi thụp xuống, người chạy xe máy ghì mặt sát ghi-đông xe để tránh bụi và tránh khỏi sự loạng choạng, dễ bị cuốn vào gầm xe lớn.

Bên tay phải ngoài vào và sát bến cảng là một nhà dân bán cơm, song chỉ thấy biển hiệu treo phía trước và vài bộ bàn ghế cũ kỹ, nhếch nhác đặt ở sân mà không bóng khách. Gọi người bán cơm, bà Lê Thị Khuê đã lớn tuổi bước ra từ căn nhà nhỏ, nói như mếu: “Lâu rồi có bán chác chi được mô mấy chú ơi! Bụi phủ tràn quán, tràn nhà, có ai dám vô đây ăn mô”.

Bà Khuê cho biết thêm: “Bốn năm nay, bà con tui sống lay lắt vì bụi bặm. Cả nhà tui bữa no bữa đói đều trông vào cái quán cơm. Cơm bán không được đã cùng đường, sống ngột ngạt trong bụi bặm còn khổ hơn cả ốm đau, bệnh nặng. Nhất là đến bữa ăn mà có cột bụi lùa qua thì phải bưng bát vừa che vừa chạy”.

Dân khu cảng biển Hợp Thịnh bức xúc vì phải sống nhiều năm trong ô nhiễm ảnh 5

Ông Võ Công Phúc.

Cùng chung suy nghĩ, ông Võ Công Phúc (SN 1954) sống trong khu vực cũng bày tỏ sự bức xúc: “Bụi ở đây thì không thể tả hết mấy chú nờ. Bụi 24/24h, chủ yếu bụi clinker, than đá và thạch cao. Lúc cảng mới đi vào hoạt động khoảng 4 năm về trước, thì nhiều nhất là bụi clinker. Một ngày bà con tưới nước không biết bao lần, vậy mà đến cuối chiều cả khu phố vẫn một màu bạc trắng. Rồi đến than đá, khoảng năm 2018, họ tập kết về một lúc hàng trăm nghìn tấn”.

Tìm hiểu của PV cho thấy, tháng 10/2015, HĐND tỉnh Quảng Trị thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh này về chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) để di dời các hộ dân nằm trong phạm vi quy hoạch cảng Cửa Việt, trong đó chủ yếu là bến cảng Hợp Thịnh do lượng hàng hóa hàng năm tại đây tăng cao, trong khi đường sá chật hẹp và chung với đường dân sinh, gần 70 hộ dân khu phố 6 thị trấn Cửa Việt lại sống sát với bến cảng này. Từ căn cứ đó, tháng 2/2016, UBND tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị xem xét, cấp mức kinh phí 60,5 tỷ đồng để xây dựng khu TĐC cho người dân.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, do vẫn chưa có nguồn kinh phí nên dự án không được triển khai xây dựng kịp thời, đảm bảo cuộc sống người dân khỏi bị ô nhiễm và sinh kế bền vững tại nơi ở mới.

Trước tình hình ngày càng bị ô nhiễm, người dân đã rất nhiều lần bức xúc phản ảnh, thậm chí chặn không cho xe vận chuyển vào, ra cảng với mục đích yêu cầu chủ cảng biển này phải thực hiện các biện pháp chống ô nhiễm bụi và giảm các hoạt động xe cộ vào đêm khuya. Thiếu tá Trần Quốc Nhật - Đồn Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt cho biết, đơn vị đã phải nhiều lần vận động người dân bớt căng thẳng.

“Đúng là ô nhiễm bụi cùng với tiếng ồn xe cộ vào ban đêm khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa phối hợp cảng biển này giúp người dân cũng như doanh nghiệp phát triển kinh tế. Bài toán khó đặt ra, là vì cảng dân sinh nên rất khó, bởi lẽ đã là cảng thì phải có hàng hóa, trong khi nó nằm sát dân thì chắc chắn gây ra những mặt trái, ảnh hưởng nhất định”, Thiếu tá Nhật nói.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Cửa Việt Trần Đình Cảm cho hay tỉnh, huyện, thị trấn rất quan tâm cuộc sống người dân khu phố thực tế bị ô nhiễm bởi hoạt động của cảng biển Hợp Thịnh nhiều năm qua. Đến thời điểm hiện tại, thị trấn và huyện đã chọn được địa điểm xây dựng khu TĐC cho bà con trên diện tích đất khoảng 5,5 ha tại địa bàn khu phố 7 của thị trấn. Các ban ngành chức năng đã hoàn thiện giai đoạn thiết kế, phần chính quyền cũng đã họp dân thống nhất thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù cho những hộ có đất sản xuất nông nghiệp tại đây. Thế nhưng khó khăn vẫn là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu TĐC nên chính quyền cũng đang phải chờ

Liên quan đến dự án TĐC cho gần 70 hộ dân ở khu phố 6 thị trấn Cửa Việt, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, 20 năm trước, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã đến Cửa Việt mở dự án đóng tàu và lên phương án thống nhất với tỉnh di dời dân khu vực này để có mặt bằng mở rộng cảng. Sau đó phương án này gác lại do Vinashin làm ăn khó khăn, phá sản. Mãi sau này, khi xây dựng bến cảng Hợp Thịnh, việc đầu tiên là di dời dân ở khu phố 6 này. Nhưng lần lữa mãi đến giờ vẫn chưa di dời dân được do chưa có kinh phí.

"Hiện chúng tôi đang cố gắng tích cực nỗ lực tìm kiếm nguồn kinh phí để làm sao di dời bà con ra khỏi khu vực ô nhiễm cảng trong thời gian sớm nhất, khả năng vào cuối năm nay", ông Đồng nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.