Dân khổ vì quy hoạch “đón đầu”

Dân khổ vì quy hoạch “đón đầu”
TP - Năm 2004, huyện Phú Tân được tái lập sau thời gian ghép với huyện Cái Nước. Lãnh đạo xã Phú Tân đinh ninh trung tâm huyện Phú Tân sẽ trở lại chợ Cái Đôi (xã Phú Tân) như trước kia nên quy hoạch “đón đầu”. Nhưng trung tâm huyện lại về nơi cách xã Phú Tân trên 7 km.
Dân khổ vì quy hoạch “đón đầu” ảnh 1
Dãy nhà xã bán cho dân, phần bị sạt lở xuống sông, phần không có đường vào phải bỏ hoang 

Quy hoạch “đón đầu” của xã là các hộ mua bán tập trung vào khu thương mại,  hộ kinh doanh lớn vào khu doanh nghiệp, hộ dân ven sông vào khu dân cư.

Dân phải đóng tiền mua đất và các khoản để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, kè bờ sông. Dân đã chạy đôn đáo lo tiền đóng đủ nhưng nay những khu đất qui hoạch vẫn hoang vắng, nhiều nơi sạt lở xuống sông gần hết.

Bà Triệu Thị Nhung ở ấp Cái Đôi bức xúc: “Tôi có nhà ở vị trí mua bán thuận tiện. Cán bộ xã bảo sắp giải tỏa để sắp xếp lại, tôi vội gom tiền bạc mua đất trong phần quy hoạch. Ai dè tiền trả rồi, đường không làm, không ở được, đất đai sụp lở gần hết xuống sông. Tôi đến UBND xã Phú Tân yêu cầu phải đầu tư xây dựng đường như hợp đồng thì cán bộ UBND kêu mua với ai thì tìm người đó mà đòi!”.

Anh Lâm Quang Đức ở Đội dân phòng, kể: “Xã phân phối cho Đội dân phòng 10 căn kiốt trong khu thương mại, sát kinh xáng. Anh em vay mượn tiền mua cho được chỗ ở, rồi đóng tiền làm đường, xây bờ kè, điện. Đến nay, đường vào không có, đất lở dần. Đã có người té chết trôi vì đất sạt lở”.

Bà Lê Hoàng Như Ý, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, cùng với 11 hộ kinh doanh mua nền tại Khu doanh nghiệp giá 7,5 triệu đồng/nền. Bà Như Ý nói: “UBND xã Phú Tân bán nền vào phần đất ông Nguyễn Văn Tiểu nhưng chưa bồi thường. Chúng tôi mua trả tiền cho xã rồi mà không cất nhà được”. Mảnh đất quy hoạch khu doanh nghiệp ở ngã ba sông nay sụp lở gần hết, phần còn lại cỏ dại um tùm.

Xã mang nợ

Các vụ bán chác và thu tiền nọ kia, xã thu được 5,76 tỷ đồng. Ông Hồng Phú Hài - Nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Tân - thành lập “Ban xét cấp nền nhà cho cán bộ”.

Thế rồi, Ban đã xét cho ít nhất 16 cán bộ được cấp nền nhà tại những nơi có vị trí đẹp nhưng người được cấp không ở hoặc ở thời gian ngắn rồi bán lại hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Chỉ trong 2 năm 2004, 2005, xã Phú Tân thu lao động công ích, thu tiền đóng góp hạ tầng nông thôn, lưới điện nông thôn, các quỹ an ninh trật tự, đền ơn đáp nghĩa, người nghèo… nhưng không nộp vào Kho bạc, chi sai hơn 795 triệu đồng.

UBND xã Phú Tân còn tự in ấn 13 cuốn Giấy chứng nhận UBND xã Phú Tân để 2 ông Phó Chủ tịch UBND xã Tăng Trung Kiên, Trần Năm Em ký khống cho cán bộ thu tiền.

Ông Trần Năm Em còn chi tiền bán nhà đất bằng giấy biên nhận tay 84,5 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Lớn - Cán bộ địa chính xã Phú Tân - cũng chi theo biên nhận viết tay 562,9 triệu đồng.

Ông Tô Thanh Bình - Nguyên Bí thư xã Phú Tân - biến trụ sở đội thuế xã thành tài sản riêng, rút 32 triệu đồng từ tiền bán đất để mua xe và chi xài cá nhân. Ông Hồng Phú Hài cũng “tận dụng” nguồn thu bán đất để mua xe máy xài riêng. Tiền bán đất chi cho cán bộ, tiếp khách lên đến 146 triệu đồng.

Để quy hoạch, làm nhà, xây ki ốt bán, xã Phú Tân vay nợ bên ngoài với lãi suất 3%/tháng làm thất thoát 70 triệu đồng. Hiện nay, xã Phú Tân còn nợ hơn 1 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.