Dân khát, đất bỏ hoang...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mới bước vào mùa khô nhưng người dân nhiều địa phương của hai tỉnh Bình Thuận và Long An đang thiếu nước trầm trọng, cả trong sinh hoạt lẫn tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Tại Mỹ Thạnh - xã vùng cao của Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), phần lớn người dân là đồng bào dân tộc Rai sinh sống. Tất cả ruộng đất nơi đây đã bỏ hoang từ tháng 11/2023 đến nay chưa thể sản xuất.

Chị Lê Thị Yên (thôn 1, xã Mỹ Thạnh) cho biết, gia đình chị cũng như bà con trong vùng có gần chục sào ruộng, rẫy nhưng không có nước nên không thể sản xuất. Nước sinh hoạt hằng ngày cũng thiếu. Người dân không có nước máy, phải tự đào giếng hoặc lấy nước từ sông suối để sử dụng nhưng đến nay sông suối cũng hết nước.

Dân khát, đất bỏ hoang...  ảnh 1

Hàng loạt hồ chứa nước ở Bình Thuận đã cạn trơ đáy

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Trần Ngọc Quảng cho hay, địa phương hiện có 284 hộ dân thì 151 hộ nghèo, 37 hộ cận nghèo. Sinh kế của người dân nơi đây chủ yếu là trồng lúa, điều, mì, bắp và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng mỗi năm chỉ trồng được một vụ, chăn nuôi chủ yếu là thả rông. Vì không có nước tưới nên hơn 2.000 ha đất sản xuất nơi đây đang bỏ hoang. “Hiện nay chưa phải là cao điểm khô hạn. Bà con còn phải chịu đựng cảnh thiếu nước này hơn một tháng nữa vì đến giữa tháng 5 mới có mưa” - ông Quảng nói.

Trên địa bàn Hàm Thuận Nam có 3 hồ chứa nước lớn là Tà Mon, Hàm Cần và Ba Bàu. Tuy nhiên, Hàm Cần đã hết nước từ tháng 12/2023. Hồ Tà Mon đã dừng cung cấp nước từ đầu tháng 3/2024. Hồ Ba Bàu cũng sẽ dừng cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp từ ngày 4/4. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Văn Phúc, nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn đã cạn kiệt. Lượng nước ít ỏi còn lại đang dùng cung cấp nước thô cho nhà máy để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập, Tân Thuận… đang khô hạn nghiêm trọng, gặp khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh, bởi có thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân.

Tại Long An, nguồn nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân ở hai xã Tân Tập và Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc) khan hiếm. Các ao, hồ trữ nước ngọt, bể và lu chứa nước mưa đều trơ đáy. Trên sông, kênh, rạch nguồn nước đều bị nhiễm mặn. Hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Người dân phải canh chờ hứng nước sạch xuyên đêm, từ tối đến tờ mờ sáng để có nước sử dụng. Nhiều gia đình phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá cao, có lúc lên đến 200 - 300 nghìn đồng/m3. Tiền mua nước dùng còn cao hơn cả tiền mua gạo hằng tháng khiến cuộc sống người dân trở nên chật vật.

Để có nước sử dụng tạm thời, mỗi ngày, bà con ở nơi đây phải thức từ 1 - 2 giờ sáng chờ mua nước từ các nhà cung cấp nhưng vẫn không đủ sử dụng. “Có khi canh cả đêm cũng không có nước. Giờ tôi chỉ mong chính quyền các cấp giúp người dân sớm có nước. Khát nước khổ sở thế này, người dân chúng tôi không biết phải làm sao” - bà Trương Thị Mỹ Lễ (ngụ xã Tân Tập) cho hay.

Cần giải pháp căn cơ

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tập Nguyễn Thanh Tú cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, hơn 4.700 hộ gia đình với khoảng 20.000 nhân khẩu trên địa bàn xã phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhu cầu nước sinh hoạt của toàn xã cần khoảng 1.800m3 ngày/đêm nhưng hiện nay, các đơn vị cung cấp nước chỉ cung ứng được khoảng 500m3 ngày/đêm.

Nhằm giúp bà con sử dụng qua ngày, UBND xã đã làm việc với các đơn vị cung cấp nước ngọt nhiều lần và chỉ giải quyết được theo phương án cấp nước luân phiên từng khu vực. Có nhiều thời điểm, chính quyền địa phương phải nhờ các đơn vị hỗ trợ điều các xe bồn liên tục chở nước ngọt đến để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân vẫn chưa được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, về lâu về dài, huyện Cần Giuộc sẽ rà soát lại các giếng nước ngầm để giải quyết bài toán cấp bách về thiếu nước sinh hoạt...

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 357.000 ha đất nông nghiệp và có 49 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa 442 triệu m3. Dung lượng của các hồ chứa nước hiện tại cộng với nguồn nước ở sông, suối khác chỉ đủ tưới cho khoảng 57.000 ha. Nếu tính toán 100 triệu m3 tưới được cho 10.000 ha, với 300.000 ha đất nông nghiệp còn lại sẽ phải cần đến 3 tỷ m3 nước/năm.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2024, lượng nước hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 115/363 triệu m3, chỉ đạt 31 % thiết kế. Diện tích đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 365 ha, chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175 ha.

Chưa kể, tỉnh Bình Thuận còn có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người.

MỚI - NÓNG