Dân chung cư lại bị… cắt nước

Người dân tòa nhà HUD3 Tây Nam Linh Đàm khổ vì lần thứ 2 từ khi nhận nhà phải xách nước. Ảnh: Cư dân cung cấp.
Người dân tòa nhà HUD3 Tây Nam Linh Đàm khổ vì lần thứ 2 từ khi nhận nhà phải xách nước. Ảnh: Cư dân cung cấp.
TP - Hàng trăm cư dân tòa nhà trong Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) khổ sở khi chịu cảnh mất nước hàng tuần dưới cái nắng nóng oi ả. Đáng ngạc nhiên, các tòa nhà chỉ mới đi vào sử dụng chưa lâu nhưng nhiều lần mất nước và tình trạng này không biết tiếp diễn đến bao giờ?

Lại xếp hàng… múc nước

Sau đúng 1 tuần mất nước, đến ngày 30/7, hàng trăm cư dân tòa nhà HUD3 Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) mới có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn sống trong cảnh bất an vì không biết bao giờ tình trạng xếp hàng múc nước lại tiếp tục xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Trưởng Ban liên lạc lâm thời cư dân HUD3 Linh Đàm cho biết, từ khi chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/12/2015 đến nay, toà nhà đã bị mất nước kéo dài vài lần. Thời gian gần đây, tình trạng mất nước thường xuyên diễn ra với mức độ ngày càng tăng, thời gian mất nước kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của toàn bộ cư dân.

Anh Lê Quân, cư dân tòa nhà chia sẻ, đợt mới đây nhất, tòa nhà bắt đầu mất nước đột ngột vào khoảng 20 giờ ngày 24/7. Đơn vị cung cấp cắt nước không hề báo trước, khiến cư dân sống tại toà nhà trong thế bị động. Ngày 25/7, người dân phải dùng nước cứu hỏa, múc từ bể cá lên để sử dụng. “Không có gì khổ bằng mất nước, nhiều gia đình có con nhỏ phải di tản sang nhà người thân. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì không có nước. Các gia đình đi làm về vất vả lại phải xếp hàng múc từng xô nước để cho gia đình sinh hoạt”, anh Quân nói.

Tình trạng mất nước tương tự còn xảy ra tại các tòa Bắc, Trung và Nam Rice City (Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, trưa ngày 25/7, Ban quản lý tòa nhà Nam Rice City thông báo người dân dùng nước tiết kiệm, có phương án dự trữ nước vì đường nước sông Đà gặp sự cố nên lượng nước cấp vào bể ngầm không có. Sang ngày 26/7, nước tại các tòa chung cư này chỉ được cấp khoảng 2-3 tiếng vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối. Đến sáng ngày 27/7, theo phản ánh của cư dân thì nước đã không còn giọt nào.

Được biết, ban quản lý tòa nhà đã họp với đại diện cư dân các tòa và đưa ra phương án mua téc nước để sử dụng sinh hoạt hằng ngày cho cư dân, phía công ty sẽ hỗ trợ 30% tiền mua nước còn cư dân chịu 70% nhưng phương án này chưa được cư dân chấp thuận với lý do ban quản lý tòa nhà chưa cung cấp văn bản của đơn vị cung cấp nước về lý do mất nước, mất đến bao giờ và phương án khắc phục.

Chưa rõ nguyên nhân?

Được biết, nước sạch tại chung cư HUD3 là nước mua của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Vinaconex (Viwaco). Công ty Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị HUDS là đơn vị cung cấp dịch vụ nước đến từng hộ dân. Theo ban quản lý tòa HUD3, trong công văn gửi bà con cư dân nêu, do nhà máy xử lý nước sông Đà bị trục trặc. Song thực tế, nhiều tòa chung cư bên cạnh vẫn có nước bình thường.

Trong khi đó, đại diện Viwaco cho biết, tại khu vực Linh Đàm, Viwaco chỉ cấp nước cho các khu “chung cư ông Thản”, còn lại là do HUDS cung cấp là chính. Tại các tòa chung cư khác, Viwaco chỉ cấp lượng nước rất ít như khu HUD3 chỉ cấp bổ sung khoảng 10-15%. “Hiện nay, lượng nước bên tôi tương đối yếu nên việc bổ sung kém thì có thể người ta thiếu nước. Hiện chúng tôi đã cho tăng cường chạy bơm hút nước do sự cố giảm áp, còn việc vỡ đường ống nước hay không thì tôi không biết, chúng tôi chỉ là đơn vị phân phối nước. HUDS là đơn vị cấp nước chính mà thiếu nước thế là có vấn đề, chắc chắn có trục trặc gì đó”, vị này nói.

Hàng trăm cư dân của tòa nhà HUD 3 và Rice City Linh Đàm không khỏi bức xúc vì cùng khu vực, nhiều khu nhà không bị mất nước, đặc biệt là 12 khối nhà của chủ đầu tư Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản. Dù các khu vực xung quanh đều khốn khổ vì thiếu nước, thì cư dân HH vẫn có nước dùng thoải mái.

Ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT HUD3 cho biết, nguyên nhân mất nước là do khu vực Linh Đàm tập trung đông dân cư, riêng dân khu HH đã lên tới 5 vạn người, bằng một phường Hoàng Liệt. Chính dân số tăng cao đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nước. 

MỚI - NÓNG