Với người chơi âm thanh, việc bảo quản những món đồ điện tử để thỏa mãn đam mê luôn là một trong những vấn đề được chú trọng, đôi khi chiếm thời gian gấp nhiều lần việc thưởng thức và tận hưởng âm nhạc, đặc biệt là với dân chơi khu vực phía Đông Bắc Bộ thời điểm này, khi thời tiết bắt đầu có dấu hiệu nồm ẩm.
Nồm ẩm là hiện tượng thời tiết đặc trưng, khi mật độ hơi nước trong không khí vượt quá 90%. Lượng nước dư thừa này sau đó sẽ ngưng tụ thành giọt, bám vào tường nhà, nền đất và cả các bản mạch của thiết bị điện tử có thể gây ra hiện tượng đoản mạch gây hư hỏng. Đầu DVD, ampli, mixer và đặc biệt là loa cần được chống ẩm và sưởi ấm thường xuyên.
"Mấy ngày gần đây máy hút ẩm nhà tôi chạy hết công suất cả ngày mà một đầu băng cối của tôi vẫn gặp vấn đề. Thời gian tới có lẽ sẽ phải bật dàn thiết bị cả ngày", anh Thành Nam, một người chơi âm thanh ở Hà Nội chia sẻ.
"Tôi định mua hút ẩm, nhưng mấy người bạn cùng chơi bảo không hiệu quả bằng sử dụng điều hòa. Vì để ở phòng khách nên khó xác định hiệu quả, chắc tôi phải thử một thời gian nữa mới biết được, hoặc sử dụng cả hai. Ban ngày thì cứ 2 đến 3 tiếng thì cho dàn chạy khoảng một tiếng", một người chơi khác cũng tâm sự.
Với dàn âm thanh, khi ở trong môi trường với độ ẩm trên 90% các thiết bị này rất dễ hỏng do hơi nước xuất hiện trên các vi mạch, gây lỗi phóng điện chập cháy. Các chi tiết kim loại khác cũng rất dễ bị gỉ sét ăn mòn. Những đôi loa với chất liệu gỗ cũng dễ gặp vấn đề, gây ảnh hưởng tới chất âm. Những vấn đề này có thể xuất hiện trên các dàn loa từ rẻ tiền tới đắt tiền mà không hề có sự phân biệt.
Có nhiều cách để khắc phục tình trạng này. Đơn giản nhất là sử dụng các gói chống ẩm hoặc một số vật liệu hút ẩm tốt như cát, bọt, nhựa, mút xốp hoặc bông gòn. Cao cấp hơn, người dùng có thể sử dụng máy sấy cho khu vực đặt dàn âm thanh của mình, hoặc đặt chúng trong phòng kín có điều hòa ở chế độ hút ẩm.
Ngoài ra, người sử dụng cũng nên di chuyển thiết bị lên các vị trí cao hơn thay vì để gần sát mặt đất hoặc gần tường như trước. Thậm chí trong các ngày trời nắng, không nên mở cửa cho "thoáng khí" bởi điều này chỉ khiến hơi nước ẩm bay vào nhà càng nhiều và nhanh mà thôi.
Một số người lo xa tới mức cho thiết bị hoạt động 24/7, tuy nhiên điều này không chỉ gây tốn kém về điện năng mà còn ảnh hưởng tới chính các thiết bị bởi việc hoạt động liên tục trong thời gian dài sẽ có những ảnh hưởng xấu khác tới độ bền của các linh kiện điện tử khác bên trong.
Nếu thường xuyên xem tivi hoặc bật máy tính để bàn, việc để các thiết bị điện tử nhỏ phía trên hoặc ngay gần cạnh cũng là một cách bảo quản khá tốt. Hơi nóng từ các thiết bị đang hoạt động sẽ làm ấm không khí ở xung quanh. Tuy nhiên, không nên đề thời gian dài hoặc quá gần bởi nhiệt độ cao cũng có thể gây nóng giòn các vi mạch, dễ gây hỏng hóc.
Người dùng cũng có thể sử dụng các thiết bị sấy cầm tay để vệ sinh, hút ẩm làm khô các thiết bị khi bảo dưỡng. Tuy nhiên, cần sấy nhẹ và có kinh nghiệm vệ sinh để tránh việc tự làm hỏng thiết bị của mình khi tháo lắp, lau chùi. Với các thiết bị đã bị ẩm, không nên mở ra ngay mà cần bật điều hòa sấy khô, dùng máy sấy với thời gian lâu hơn thông thường so với việc chỉ bảo quản một chút và để thiết bị nguội hẳn mới bật trở lại (nếu dùng máy sấy).
"Nên đặt dàn âm thanh trong phòng điều hòa, khu vực có máy hút ẩm hoạt động liên tục. Các thiết bị cũng cần cắm điện và bật ở chế độ Stanby (tắt bằng điều khiển chứ không tắt hẳn bằng nút cứng trên thiết bị) để vẫn duy trì nguồn điện trong máy", ông Nguyễn Thanh Tùng, CEO của Thanh Tùng Audio chia sẻ. Đây cũng là biện pháp được chuyên gia này áp dụng cho các thiết bị của mình.