Dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố: Cần nghiên cứu kỹ

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật và một số Nghị quyết quan trọng trong phiên bế mạc kỳ họp chiều 19/6. Ảnh: Nhật Minh
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật và một số Nghị quyết quan trọng trong phiên bế mạc kỳ họp chiều 19/6. Ảnh: Nhật Minh
TP - Chiều 19/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều nghị quyết quan trọng. Một trong những đề xuất đáng chú ý được đại biểu nêu ra là để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chưa được chấp thuận vì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. 

Theo Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội thông qua thì việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh sẽ bị chấm dứt. Những nơi đã được thành lập sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Luật cũng quy định, việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 1/7/2021.

Liên quan đến đề xuất tiến hành một năm Quốc hội họp 4 kỳ và bổ sung quy định về hình thức họp trực tuyến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Hiến pháp hiện hành quy định, Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong tổ chức kỳ họp. Về đề nghị giảm cơ cấu ĐBQH kiêm nhiệm trong các cơ quan hành pháp, tư pháp và bổ sung chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, Ủy ban Thường vụ cũng tiếp thu, ghi nhận để có định hướng phù hợp trong Đề án bầu cử ĐBQH sắp tới.

Trong khi đó, theo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đề xuất quy định dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố cũng chưa được chấp thuận. Giải trình về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng nói, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Song để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Chưa tăng lương từ 1/7

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội đồng ý chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích thích phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, tiềm lực mạnh; ưu tiên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, vật liệu mới để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về ngân sách, Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế; kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN, năm Chủ tịch AIPA và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Trong lĩnh vực giáo dục, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1. Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân.

Việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Song để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. 

MỚI - NÓNG