Cho dù Taliban đã công bố kế hoạch cấm sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan, tay buôn dày dạn kinh nghiệm Ahmed Khan (*) không hề chùn bước.
“Họ không thể tài trợ cho các cuộc chiến của họ nếu không có thuốc phiện”, ông Khan, người có địa bàn hoạt động ở vùng Baramcha, gần biên giới với Pakistan, cho biết. Đã buôn bán thuốc phiện trong gần một phần tư thế kỷ, ông tin rằng Taliban sẽ không có đủ khả năng đặt dấu chấm hết cho thị trường này.
“Sẽ có phản ứng dữ dội từ các nông dân, trùm thuốc phiện và công chúng nếu Taliban cấm sản xuất thuốc phiện”. Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2020, và thu về hàng triệu đô la hàng năm.
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), ước tính có khoảng 6.300 tấn thuốc phiện đã được thu hoạch ở Afghanistan vào năm ngoái, một lượng có thể sản xuất tới 290 tấn heroin nguyên chất.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo đầu tiên sau khi Taliban lên nắm quyền vào tháng Tám, phát ngôn viên của nhóm, ông Zabihullah Mujah đã tuyên bố việc sản xuất ma túy sẽ ngừng lại. “Từ giờ trở đi, không ai được tham gia buôn bán heroin, không ai được phép tham gia vào việc buôn lậu ma túy”, ông nói.
Ông Khan cho biết ngay lập tức sau đó, giá thuốc phiện đã tăng gần gấp đôi, từ 55.000 afghani (13,6 triệu VND) cho 4,5kg lên tới 100.000 afghani (24,7 triệu VND). “Nhưng giờ khi các tay buôn biết nó sẽ không bị cấm, giá đã giảm xuống gần như cũ”, ông nói.
Không chỉ ông Khan không tin rằng Taliban có thể cấm sản xuất thuốc phiện. Với nền kinh tế sụp đổ và hạn hán đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói, các quan chức Taliban ở miền nam đang bàn cãi rằng không có giải pháp thay thế nào khác cho nông dân.
“Bởi nó là kế sinh nhai duy nhất”, ông Abdul Ahad, thống đốc tỉnh Helmand, nơi trồng phần lớn cây thuốc phiện cho biết.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn thị trường này đạt được rất ít tiến triển. Mặc dù thủ lĩnh trước đó của Taliban, Mullah Omar, đã chính thức cấm trồng và buôn bán thuốc phiện vào năm 2000, hoạt động buôn bán này vẫn tiếp tục. Một số nông dân Afghanistan hiện đang thu hoạch ba vụ thuốc phiện mỗi năm, thay vì một vụ, để đáp ứng nhu cầu.
Ông Mohammed Yaqoob đứng giữa cánh đồng hoa anh túc trắng và hồng nằm bên cạnh lòng sông khô cạn ở thị trấn Musa Qala. Những con đường ở tỉnh Helmand này đầy ổ gà, hậu quả của những vụ nổ bom mìn từ nhiều năm chiến tranh. Ông Yaqoob đã trồng cây thuốc phiện trên những cánh đồng này hơn 20 năm. Ông cũng trồng các loại cây khác, nhưng thuốc phiện mới là thứ giúp ông có được bữa ăn mỗi ngày.
“Chúng tôi không có cách nào khác để kiếm tiền”, ông nói. “Nếu Taliban cấm trồng cây thuốc phiện, điều đó có nghĩa là họ muốn chúng tôi chết đói”.
Ông nói thêm: “Tôi muốn các thế lực nước ngoài hãy giúp chúng tôi bằng cách cung cấp hạt giống và các phương tiện nông nghiệp, để chúng tôi có thể trồng một thứ khác ngoài cây thuốc phiện. Nếu không, chúng tôi không còn cách nào khác để tồn tại”.
Ông Amrullah, người đã trồng cây thuốc phiện ở Musa Qala trong bốn thập kỷ, cũng đồng ý. Ông không sở hữu đất, mà chỉ chịu trách nhiệm trồng trọt và chăm sóc cây trồng. Đổi lại, ông nhận được một phần tư tổng thu nhập. “Chúng tôi không thu được gì từ lúa mì và rau, bởi chúng cần nhiều nước và không đem lại lãi suất cho chúng tôi”, ông Amrullah nói.
(*) Tên các nhân vật đã được đổi.