Suốt từ địa danh Liêng Hung xã Liêng Sơ-rôn chạy dài theo các triền núi đến tận Romen, nơi có dòng Krông Knô vắt ngang như lưỡi kiếm chia cắt Lâm Đồng với Đắc Nông, Đắc Lắc, bông đót bạt ngàn. Đót mọc thành vùng hoang dại với sức sống mãnh liệt, cả rừng núi tỏa mùi hương u dại, phảng phất…
Người K’ho bản địa thu hoạch theo cách riêng của mình. Những thiếu nữ mặc váy, đeo gùi, chất đầy bông đót cao ngất, phất phơ là hình ảnh tuyệt đẹp giữa núi rừng Đam Rông. Những thiếu nữ này ra đi từ sớm tinh mơ, chân trần leo lên những triền đồi nghiêng ngửa cỏ cây chen đá lá chen hoa… cùng nhau chọn những cây có bông đẹp nhất đem về làm chổi.
Đa số là họ đem chợ bán, hoặc trao đổi lấy đồ dùng thường ngày. Vì thế mà bông đót đẹp và là nguồn lợi của người dân bản xứ. Cũng vì thế, đót không bị nguy cơ tuyệt chủng như ngày nay.
Ngày nay người ta thu hoạch đót hàng loạt. Có hẳn những đại lý bông chổi đót dự trữ hàng trăm tấn để bán ra thị trường. Đội quân đi lùng bông đót ngày càng nhiều. Họ đến đâu rừng đót trụi lá đến đó. Chỉ cần một ngọn lửa liếm qua, những gốc đót trơ trụi, để rồi những cơn mưa mùa hạ, những cơn áp thấp mùa thu đông lại vực chúng dậy, cùng với quần thể rừng măng le hoang dại khác.
Người dân không ai hỏi cây đót ai trồng mà hào phóng đến vậy? Nhưng tự thâm tâm họ hiểu đó là quà tặng của Mẹ rừng, dành tặng những đứa con nương rẫy trong lúc nông nhàn có cái tiêu xài đỡ ngặt chứ không thể hết nghèo! Vậy mà nay đã có người phất lên nhờ cây đót hoang dại này. Đã có ý tưởng của một vài cá nhân muốn đem cây đót về trồng đại trà, nhưng vẫn còn “lực bất tòng tâm”.
Tôi rất mong thấy cây đót được đem về trồng, để thu hoạch có kế hoạch cho cây đót tự do phô diễn hết vẻ đẹp hoang dã rừng rú của mình. Và người sử dụng phải biết cảm ơn nó, một loài bông được ghép thêm từ chổi nặng nề, để quét sạch rác rưởi đem lại sạch sẻ cho từng ngôi nhà.
Có nhiều truyền thuyết về mụ phù thủy cưỡi lên cái chổi. Và bay! Hoặc sao chổi xuất hiện là điềm chẳng lành. Nhưng mùa bông chổi là một điềm lành cho những người dân nơi đây, giúp họ có công ăn việc làm cũng là quét sạch nghèo túng, quét bớt những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Cùng với bông lau như mái tóc của người già, mùa bông chổi đót là vẻ đẹp chân mộc của núi rừng Tây nguyên; đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho những người kinh doanh nghề này. Từ nông thôn cho đến thành thị ngày nay không thể thiếu hình dáng cây chổi đót trên tay các gia đình. Nó là trợ thủ đắc lực cho những người giúp việc, là vị thần chăm sóc nhà cửa. Vì thế mà bông chổi chiếm một vị thế độc tôn không thể thiếu.
Tuy nhiên việc tàn phá rừng kéo theo một hệ lụy cho loài bông mang nặng xót xa này, ngày càng khiến chúng ta lo lắng. Một mai rừng bông chổi đót không còn nữa liệu chúng ta có xót xa không với cây chổi nhựa trên tay? Những người dân dã này đã ý nhị gọi đó là bông chổi chứ không hề gọi là hoa.
Từ bông nghe chân mộc và đúng với thứ bông vô tội này là để quét! Nghĩ cũng xót ! Một loài bông dùng để quét rác truyền từ tay bà sang tay mẹ. Rồi từ tay mẹ truyền sang tay con gái, con dâu vv… như một định mệnh nghiệt ngã.
Mùa bông đót lại về. Cầm trên tay cái chổi đót bỗng thấy thương một loài bông hoang dã, rất đáng được ngợi khen như một trợ thủ chân chính….
Đam Rông 25.10.2010
Tản văn của Nguyễn Thánh Ngã