Sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán này là một sự bất đồng công khai hiếm hoi trong quan hệ đồng minh 66 năm qua khi mỗi bên đều trách bên kia đã không sẵn sàng thỏa hiệp chia sẻ chi phí 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc đề đề phòng sự gây hấn của Triều Tiên.
Nhà thương thuyết Hàn Quốc Jeong Eun-bo nói tại cuộc họp báo rằng: “ Sự thật là có một sự khác biệt quan trọng về đề xuất tổng hợp từ phía Mỹ và các nguyên tắc mà chúng tôi đang theo đuổi”.
Ông cho biết thêm, các cuộc đàm phán này không thể thực hiện được theo kế hoạch vì phía Mỹ bỏ đi trước.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định rằng Hàn Quốc phải chi trả nhiều hơn cho lính Mỹ đang đồn trú tại nước này và ông cũng gợi ý rằng, có thể sẽ rút lính Mỹ về nước. Đây là một phép thử đối với đồng minh nhiều thập kỷ qua trước sự hiếu chiến của Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên mới ký hiệp ước đình chiến trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, chứ không phải là hiệp đình hòa bình.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết, Mỹ đang muốn Hàn Quốc chi trả 5 tỷ USD/ năm, gấp 5 lần mức đóng góp hiện tại (khoảng 1, 04 tỷ won, tương đương 890 triệu USD).
Mặc dù không bên nào công khai khẳng định các con số, nhưng ông Trump cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đáng giá 5 tỷ USD cho sự bảo vệ.
Ông Jeong cho biết, Mỹ đòi Hàn Quốc tăng hơn nữa chi phí đóng góp, trong khi Hàn Quốc đang tìm kiếm sự chia sẻ ở mức độ hai bên đều chấp nhận được.
Cuộc đàm phán tại Seoul đã kết thúc sớm hơn 1 giờ so với dự kiến do những bất đồng này.
Nhà đàm phán Mỹ James DeHart cho rằng, phía Mỹ đã hủy bỏ đàm phán để cho Hàn Quốc thêm thời gian để xem xét.
Ông DeHart nói: “ Thật không may, các đề nghị về sự chia sẻ chi phí không được đoàn đàm phán Hàn Quốc đáp trả thỏa đáng và công bằng. Chúng tôi hy vọng nối lại đàm phán khi phía Hàn Quốc sẵn sàng làm việc dựa trên cơ sở đối tác và tin tưởng lẫn nhau”.
Tranh cãi tại quốc hội Hàn Quốc
Những tranh cãi về chi phí đóng góp cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đã gây tranh luận nóng tại quốc hội Hàn Quốc. Một nhóm các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc kêu gọi sự cắt giảm nhiều hoặc thậm chí rút lui lính Mỹ.
Một nhóm gồm 47 nhà lập pháp Hàn Quốc tuần trước đã cáo buộc việc Mỹ đe dọa sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Nhóm này cho rằng,lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc cũng vì lợi ích của họ nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không thể rút lui ngay chỉ vì mấy dòng tweet đáng ngạc nhiên từ ông Trump.
Ông Jeong cho rằng, Mỹ đã không đặt vấn đề cắt giảm hoặc rút lui quân đội Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper khi được hỏi liệu ông có muốn rút lui bất kỳ lực lượng nào nếu một thỏa thuận với Hàn Quốc không được thống nhất, ông không nói rõ rằng Mỹ có thể làm gì, mà cho biết, Bộ ngoại giao Mỹ sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán.
Ông Esper nói trong một chuyến đi tới Philippines rằng: “ Hàn Quốc là một nước giàu. Họ có thể và nên đóng góp nhiều hơn”.
Theo luật của Hàn Quốc, các thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự phải được quốc hội thông qua. Tuần trước, các nhà lập pháp của đảng cầm quyền cho biết, họ sẽ từ chối phê chuẩn các chi phí tăng thêm.