Trước những khó khăn của Nhà máy Đạm Ninh Bình, ngày 21/2, ông Vũ Văn Nhẫn đã đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của nhà máy này.
Ngoài ra, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng đề nghị năm 2018, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) ký hợp đồng mua bán than tương tự với các điều khoản nội dung hợp đồng năm 2017.
Được biết, sẽ cần khoảng 40 tỷ đồng/tuần mua than để duy trì sản xuất của nhà máy Đạm Ninh Bình. Dự kiến năm 2018, nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ phải bỏ ra khoản tiền 220 tỷ đồng để đại tu các hạng mục máy nén Simen xưởng phân ly, thay xúc tác chuyển hóa CO và máy nén xưởng tổng hợp NH3.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào năm 2008 có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD. Dự án được thực hiện theo phương thức tổng thầu (EPC) do Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc thực hiện.
Từ ngày 15/10/2012, công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy. Theo tính toán, từ năm thứ 4 trở đi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy sẽ có lãi. Thế nhưng trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình vẫn lỗ luỹ kế lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012, họ lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 933,5 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2018, khi khởi động lại được dây chuyền sản xuất nhà máy Đạm Ninh Bình đã tiêu tốn thêm gần 270 tỷ đồng.
Được biết, nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ.