Theo Đại sứ Hùng Ba, vùng biên Trung Quốc, đặc biệt là vùng biên tiếp giáp Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với vùng biên của Việt Nam. Vùng biên của hai nước đa số đều nằm trong nội địa, ít giáp biển, cách rất xa trung tâm phát triển, nhiều đồi núi, nhiều bất lợi về giao thông, người dân tộc thiểu số tập trung định cư. Vì vậy, hai bên có thể học hỏi lẫn nhau về phát triển kinh tế-xã hội vùng biên của mình.
Thứ nhất, dựa vào tình hình thực tế để phát huy nét riêng, nét đặc sắc, ưu thế của địa phương vùng biên. Ví dụ, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc rất chú trọng phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường thiên nhiên tươi đẹp, phát huy ưu thế về đối ngoại.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba ở buổi họp báo chiều 15/8. Ảnh: Thái An |
Thứ hai, kiên trì lấy nhân dân làm gốc, làm căn bản. Cụ thể, lấy niềm mơ ước của người dân làm mục tiêu phát triển. Ví dụ, ở Vân Nam và Quảng Tây, chú trọng sự hài hòa, phát triển hài hòa giữa các dân tộc, duy trì ổn định kinh tế-xã hội. Vân Nam và Quảng Tây đều có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số nên mục tiêu phát triển trùng với mong muốn của đông đảo người dân là thoát nghèo bền vững và chấn hưng nông thôn. Trung Quốc đã đạt được hai mục tiêu này với nhiều kết quả nổi bật.
Thứ ba, coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng. Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh năm 2023 thăm Việt Nam, có giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của tỉnh đã vượt 11.000 km. Ngoài ra, về đường sắt, Vân Nam và Quảng Tây cũng có những tiến triển rất nhanh, đã xây dựng đường sắt cao tốc tới biên giới với một số nước láng giềng của Trung Quốc.
Vì vậy, phát triển vùng biên và hợp tác vùng biên giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng. Đó là biến vùng nội địa thành cửa ngõ đối ngoại, biến bất lợi về địa hình vùng sâu vùng xa thành lợi thế của mở cửa đối ngoại. Hai nước có thể thúc đẩy hợp tác, kết nối vùng biên, đường bộ, đường biển, đường hàng không và Internet một cách toàn diện.
“Tôi thấy công tác cấp bách nhất, nên được ưu tiên nhất hiện nay là thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước chúng ta. Hai bên đang đẩy nhanh quy hoạch và thiết kế cho 3 tuyến đường sắt ở phía Bắc Việt Nam, gồm tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hải Phòng. Qua kết nối, chúng ta có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh thành vùng biên, đi lại sẽ dễ dàng hơn, lòng dân gần gũi hơn”, Đại sứ Hùng Ba nhận định.
Hai nước đang hướng đến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Theo Đại sứ Trung Quốc, việc ký kết thể hiện sự thành công về đối thoại, hiệp thương hữu nghị, giúp tăng niềm tin, tạo mô hình tốt cho các nước vận dụng. Nhờ đó, người dân vùng biên của hai nước an cư lạc nghiệp, sống gần nhau như người nhà trong một khu vực ổn định, hài hòa và phát triển không ngừng.
“Tôi vẫn nhớ tháng 8/2023, khi thăm, làm việc ở tỉnh Lạng Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan là có một không hai trên thế giới”, miêu tả sinh động tình hữu nghị, đoàn kết, phát triển ở vùng biên, rất đáng tự hào”, Đại sứ Hùng Ba nói.
“Ấn tượng sâu sắc nhất với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm”
“Trong tháng 6 và tháng 7, tôi 2 lần được hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ở Phủ chủ tịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất coi trọng quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc… Ấn tượng sâu sắc nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh rằng, hiện nay tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường; hơn bao giờ hết, Việt Nam và Trung Quốc cần phải tăng cường đoàn kết và hợp tác, cùng nhau ứng phó các thách thức, cùng thực hiện các mục tiêu chiến lược chung”, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba.