Đại học vùng hút thí sinh thi nhờ

Đại học vùng hút thí sinh thi nhờ
TP - Lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ở các trường ĐH vùng, ĐH địa phương năm nay khá cao. Tuy những trường này chưa phải sự lựa chọn của nhiều thí sinh vùng đó mà thí sinh chỉ mượn địa điểm thi nhờ.

> Trường địa phương hút thí sinh

Các Sở GD&ĐT bàn giao hồ sơ thi ĐH, CĐ tại TPHCM sáng 7-5 Ảnh: Quang Phương
Các Sở GD&ĐT bàn giao hồ sơ thi ĐH, CĐ tại TPHCM sáng 7-5.
Ảnh: Quang Phương.

Mượn trường thi nhờ

Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho biết: Năm nay tỉnh có 2 trường ĐH, thu hút trên 7.000 hồ sơ ĐKDT (cao hơn so với năm 2010 khoảng 2.000 hồ sơ) nhưng một nửa là mượn trường thi (hơn 3.600 hồ sơ).

Tỉnh Lâm Đồng có 2 trường ĐH và một trường CĐ. Toàn tỉnh có 4.500 hồ sơ trên tổng số 32.600 hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Đà Lạt. Tuy nhiên, một nửa số hồ sơ ĐKDT tại trường ĐH Đà Lạt năm nay là thi nhờ (khoảng 2.000 hồ sơ ).

Tỉnh Đăk Lăk có 5.362 hồ sơ đăng ký thi nhờ ở các trường khác trong tổng số 54.179 hồ sơ ĐKDT. Trường ĐH Tây Nguyên vẫn là nơi thí sinh tỉnh này thi nhờ nhiều nhất: 2.804 hồ sơ trên tổng số 14.504 hồ sơ ĐKDT tại trường.

Đại diện Sở GD&ĐT Đăk Lăk lý giải: “Tỉnh đã có nhiều biện pháp hướng nghiệp, khuyến khích các em học trường gần nhà nhưng các em vẫn chuộng trường ở các thành phố lớn”.

Ở trường ĐH, CĐ tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, lượng thí sinh đăng ký thi nhờ cũng đông đảo. Theo lãnh đạo phòng GD chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD&ĐT An Giang, đa phần thí sinh thi nhờ thuộc gia đình khá giả, có điều kiện về kinh tế và mong muốn lên thành phố để học tập.

Số thí sinh này chỉ mượn các trường địa phương thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường không tổ chức thi có trụ sở ở thành phố.

Trường địa phương chưa hấp dẫn

TS. Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phú Yên phân tích những lợi thế khi học tại trường ĐH địa phương: Mức sống ở địa phương không biến động nhiều so với thành phố; cơ hội việc làm tại tỉnh nhà sau khi ra trường sẽ cao hơn bởi trường địa phương thường đào tạo nhu cầu lao động cho tỉnh nhà…

TS. Nguyễn Tấn Vui - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho rằng: Các trường ĐH vùng, ĐH địa phương có cơ cấu ngành nghề đào tạo theo nhu cầu nhân lực từng khu vực, địa phương. Chất lượng đào tạo tương đương các trường ở thành phố lớn. Mặt khác, điểm chuẩn vào các trường này thường ở mức vừa phải nên cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn.

Trong những mùa tuyển sinh gần đây, đặc biệt là năm 2010, các trường ĐH vùng, ĐH địa phương tuyển sinh rất vất vả. Một số ngành dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn nhưng trải qua 3 nguyện vọng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Một số ngành đặc thù của các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang, ĐH Đà Lạt… đành phải đóng cửa hoặc dự kiến tạm dừng tuyển sinh dù đó là ngành đào tạo nhân lực cho địa phương.

Để các trường ĐH địa phương, ĐH vùng hút thí sinh, lãnh đạo một trường ĐH ở miền Trung đề nghị: Các trường phải có biện pháp cụ thể như miễn giảm học phí ở những ngành đặc thù đào tạo nhân lực cho địa phương, cam kết việc làm khi các em ra trường và đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ngành học, cơ hội việc làm, thu nhập khi ra trường…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG