Đại gia Việt 'hết cửa' săn tê giác Nam Phi

Một nữ thợ săn Việt Nam bên con tê giác (nguồn Traffic)
Một nữ thợ săn Việt Nam bên con tê giác (nguồn Traffic)
TP - Bản ghi nhớ trong lĩnh vực bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học do đại diện Chính phủ Việt Nam và Nam Phi ký ngày 10-12, nhằm siết các hoạt động săn bắn, buôn bán sừng tê giác. Bộ NN&PTNT cũng vừa trình Thủ tướng dự thảo quyết định cấm nhập khẩu mẫu vật tê giác. Như vậy, đại gia Việt “hết cửa” đi săn tê giác tại Nam Phi, vì có đi săn cũng không mang được hàng về.

> Người Việt chi 22 triệu USD săn tê giác Nam Phi
> 'Đại gia' lại mất điểm

Gắn chíp cho người đi săn

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về hoạt động cấp phép cho hoạt động săn bắn tê giác, trong đó có các tay súng đại gia người Việt Nam, bà Bomo Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Nguồn nước Nam Phi cho biết: Năm 2011, Nam Phi cấp 222 giấy phép săn bắn tê giác. Còn năm 2012, đến nay đã cấp 89 giấy phép. Việc cấp các giấy phép cho người Việt Nam, năm 2009 chỉ cấp 85 giấy, năm 2010 là 91 giấy, năm 2011 là 114 giấy, đến năm 2012, chỉ là 8 giấy phép.

Theo bà Molewa, trung bình hằng năm, Nam Phi thu từ hoạt động săn bắn khoảng 2,3 tỷ đồng Rand (khoảng hơn 300 triệu USD). Số tiền này, sẽ được phân bổ cho những người nghèo ở nông thôn, vì phần lớn họ được thuê trong quá trình tổ chức săn bắn.

Bộ trưởng Molewa cho hay, Nam Phi đang nỗ lực “lấp lỗ hổng” pháp luật về bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Cách đây một tháng, Chính phủ Nam Phi đã trình lên Quốc hội nước này dự thảo về Luật Đa dạng sinh học, và hiện luật vừa được thông qua.

Theo đó, người tham gia vào săn bắn sẽ được gắn chíp điện tử, để đảm bảo, khi họ săn bắn tê giác, sẽ kiểm soát được di chuyển của họ trong hay ngoài nước Nam Phi.

Theo bà Molewa, Nam Phi cũng muốn hợp tác với Việt Nam để nắm bắt được thông tin về người xin cấp phép là ai, để họ tiện theo dõi.

Theo Cơ quan quản lý Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế về các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites Việt Nam), dù cấm người Việt sắn bắn từ tháng 2-1012, nhưng số vụ săn bắn trộm tăng lên. Năm 2011, 448 cá thể tê giác bị săn trộm, và dự kiến năm nay có thể lên 600 cá thể. Cá thể tê giác bị bắn trái phép đều bị mất sừng.

70% sừng tê giác vào Việt Nam là giả

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, trước đây, có khoảng 30-50 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở Nam Phi, trong đó có một nhóm chuyên đưa người sang nước này để du lịch và xin giấy phép săn bắn tê giác hợp pháp, sau đó chuyển về Việt Nam.

Tuy nhiên, từ tháng 2-2012, Nam Phi đã cấm người Việt Nam sang săn bắn do nghi ngại Việt Nam là nơi tiêu thụ sừng tê giác chính, nên hiện chỉ trên dưới 10 người ở nước này.

Cites Việt Nam cho biết, hầu hết sừng tê giác nhập về Việt Nam được chuyển lậu sang Trung Quốc tiêu thụ. Mẫu vật tê giác nhập hợp pháp về Việt Nam từ năm 2006.

Lượng mẫu tê giác nhập hợp pháp vào Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với lượng giấy phép phía Nam Phi cấp, cho thấy “chiến lợi phẩm” sau khi bắn đã được nhập lậu về nước, hoặc mang sang nước khác tiêu thụ.

Theo Cites Việt Nam, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam không lớn, chủ yếu cho một số đại gia, để làm thuốc chữa bệnh, bằng cách mài vào đĩa.

Tuy nhiên, theo giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cơ quan chuyên giám định mẫu, tới 70% số sừng tê giác tiêu thụ ở Việt Nam là sừng giả.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, theo công ước Cites, mẫu vật tê giác được nhập hợp pháp, thuộc về sở hữu cá nhân, và người sở hữu này không được phép dùng vào thương mại. Công ước cũng không quy định rõ việc tặng, biếu.

Việt Nam quản lý sừng tê giác dưới dạng tài sản cá nhân. Hai năm nay, Cites Việt Nam yêu cầu, những ai nhập mẫu vật, chịu sử kiểm tra của Cites.

Trước câu hỏi của phóng viên đến từ Nam Phi, về “quan chức Chính phủ Việt Nam” tham gia vào tiêu thụ sừng tê giác, ông Tuấn cho rằng: “Nếu dùng chữ quan chức Chính phủ nói chung, tham gia vào việc sử dụng, mua bán sừng tê giác, tôi khẳng định lại trả lời của Bộ trưởng (ông Cao Đức Phát - PV) chúng tôi, những thông tin đó là thiếu chính xác”.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, có một vài người, làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi nhiều năm trước đây có tham gia vào việc mua bán sừng tê giác, vận chuyển về Việt Nam.

“Chúng tôi cũng biết rằng, cơ quan chức năng Nam Phi bắt họ tại cửa sứ quán Việt Nam lúc đấy là trường hợp gài bẫy. Tuy nhiên, cũng từ đó, tình trạng này đã chấm dứt, và những người đó đã bị xử lý” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, bộ đã đề xuất với Chính phủ cấm nhập khẩu một số mẫu động vật hoang dã, trong đó có tê giác.

Đồng thời, bộ đề nghị, Cites phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường giám sát những mẫu vật đã nhập, và tăng kiểm soát ở biên giới, nội địa với mẫu vật ĐVHD, trong đó có tê giác.

Chi 100.000 USD mới được một giấy phép săn tê giác

Theo Cites Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu săn bắn hợp pháp tê giác tăng đột biến, và giá mỗi cuộc đi săn tăng theo. Năm 2005, giá trả cho Cty tổ chức săn bắn khoảng 19.500 USD; năm 2008 tăng lên 80.000 USD và hiện nay phải chi trả 100.000 USD cho một con tê giác đực trưởng thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.