Dự án hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Ban đầu, đây là dự án liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn SCG của Thái Lan.
Sau khi Tập đoàn Hóa chất rút lui, thì Tập đoàn QP của Qatar vào thế chỗ. Tuy nhiên, vì một số khúc mắc trong nội bộ nhà đầu tư của Qatar (đó là việc sáp nhập QPI - đối tác góp vốn vào hóa dầu Long Sơn vào công ty mẹ - QP) cho nên nhà đầu tư này đã rút khỏi dự án hóa dầu Long Sơn.
Ngay sau khi nhà đầu tư Qatar rút lui, Tập đoàn SCG hồi đầu năm 2017 đã mua lại phần vốn vay của nhà đầu tư Qatar Petroleum để nâng tỷ lệ nắm giữ tại dự án này lên 71%.
Từ số vốn ban đầu 3,7 tỷ USD, đến nay vốn đầu tư của Dự án đã tăng lên 5,4 tỷ USD. Tập đoàn SCG và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hai cổ đông lớn nhất tại dự án, trong đó PVN chiếm 29%, còn SCG chiếm 71%.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vướng mắc lớn nhất của dự án trong thời gian qua là thu xếp phần vốn vay của PVN trong liên doanh, về thủ tục phê duyệt các gói thầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ ký kết hợp đồng EPC và tiến độ triển khai của dự án.
Do vấn đề thu xếp vốn của phía Việt Nam còn chậm nên chưa đủ điều kiện tài chính để ký kết hợp đồng EPC. Vì vậy, gói thầu đã phải gia hạn thêm nhiều lần kể từ thời điểm Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu EPC vào đầu tháng 7/2017.
Ngày 24/11/2017, Thường trực Chính phủ đã họp và quyết định phương án thu xếp vốn vay của PVN trong dự án.
Tuy nhiên, trước tình trạng hiện tại của dự án, ngày 20/12/2017, phía SCG đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép SCG mua lại toàn bộ phần vốn góp của PVN tại LSP kèm theo một số điều kiện để có thể triển khai thuận lợi.
Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhắc đến việc PVN rút vốn khỏi dự án này.
Theo kế hoạch, dự án hóa dầu Long Sơn sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.