Đại gia BĐS bỏ nhà đất, xoay nghề mới

Đại gia BĐS bỏ nhà đất, xoay nghề mới
> 'Dân BĐS đi trồng rau, rửa xe
Đại gia BĐS bỏ nhà đất, xoay nghề mới ảnh 1

Chuyển hướng

Công ty CP Quốc tế Sơn Hà vừa công bố ra mắt hệ thống siêu thị Hiway Supercenter Việt Nam, nằm trong kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ hiện đại của Hiway mà trước mắt là 3 siêu thị bán lẻ sẽ được khai trương tại quận Hà Đông, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (Hà Nội) trong năm 2012.

Thông cáo báo chí của Sơn Hà ngày 7-3 ghi rõ: "Với sự chủ động và linh hoạt dựa trên tiềm lực bất động sản (BĐS) vốn có của Tập đoàn Sơn Hà, Hiway Việt Nam đã vào giai đoạn hoàn thiện đối với các dự án bán lẻ". Dự kiến 5 năm tới, hệ thống này sẽ có 20 siêu thị bán lẻ hiện đại tại Hà Nội và các tỉnh thành trọng điểm khác.

Nhắc đến Sơn Hà, phần đông nghĩ ngay đến lĩnh vực kim khí với các sản phẩm bồn chứa nước inox, thái dương năng..., mà không phải ai cũng biết rằng, 7 năm tham gia thị trường BĐS tính đến nay, riêng tại Hà Nội, tập đoàn này đã sở hữu và triển khai ít nhất 7 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng tại Kiến Hưng, Đan Phượng, Kim Giang, Tây Hồ Tây, Xuân La...

Nay quyết định dấn thân với tư cách là một nhà bán lẻ chuyên tạo lập và phát triển chuỗi siêu thị trên toàn quốc, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch của Sơn Hà cũng đồng thời tuyên bố sẽ thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS. Định hướng tập đoàn chỉ giữ lại các phần mặt bằng thương mại bán lẻ trong các dự án hoặc sẽ mua thêm BĐS chỉ để tạo nền tảng, phục vụ phát triển bán lẻ mà thôi.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, ngoại trừ sự trầm lắng do chính sách vĩ mô, còn về lâu dài BĐS sẽ phục hồi, triển vọng về giá cũng như giao dịch. Vậy tại sao doanh nghiệp này không cầm cự chờ thời mà lại quyết tâm rút khỏi thị trường trong lúc "mất giá" lúc này?

Ông Sơn cho rằng, một khi đã xác định được chiến lược rõ ràng thì dù thời điểm này sự hy sinh lợi ích nhiều hơn cũng phải đối diện. "Chúng ta nên tập trung vào một việc lớn và đừng quan tâm đến các vấn đề khác, đừng mong muốn tất cả mọi thứ lúc nào cũng hoàn hảo. Khi đã biết dứt ra thì chúng ta sẽ không còn loanh quanh nữa".

Nhà sáng lập của Sơn Hà chia sẻ, có rất nhiều người ngạc nhiên thắc mắc tại sao lại quyết định nhảy vào lĩnh vực bán lẻ vốn rất phức tạp, đã lường hết những trở ngại, cạnh tranh sống còn? - ông Sơn trả lời, hướng đi này không phải là một phương án đối phó với tình thế, chống đỡ khi BĐS lâm vào khó khăn.

Đó là chiến lược đã được ban lãnh đạo tập đoàn dự kiến, chuẩn bị từ 5 năm nay. Doanh nghiệp hiện đã hội tụ đủ những yếu tố từ hạ tầng, công nghệ, nhân lực và tài lực cho phát triển lĩnh vực bán lẻ; lại đón bắt được nhu cầu, đơn đặt hàng phát triển hạ tầng thương mại tiện ích, gần gũi và hiện đại tại các khu đô thị.

Nhưng hơn hết, nó là niềm say mê, tâm huyết đến "ăn vào máu". Vị lãnh đạo tâm sự: "Người ta nói đam mê là phải nhập cuộc nhưng mọi người không biết rằng tôi đã có đến gần 1.000 lượt để đi vào các siêu thị vào các giờ khác nhau để quan sát, đo đếm, tính toán. Vậy thì cái gì tạo nên động lực cho mình làm được?.

Bán lẻ là ngành cực khó và vất vả nhưng nhưng khi vượt qua được cái khó nó thì trở nên rất hấp dẫn, vinh quang bởi chúng ta được cảm nhận niềm hạnh phúc khi phục vụ toàn dân - ai cũng là khách hàng của mình".

Đại gia BĐS bỏ nhà đất, xoay nghề mới ảnh 2

Chủ động hay bị động?

Đã qua giai đoạn tay ngang kiếm bộn tiền và phất lên nhanh chóng từ việc lướt qua BĐS. Thị trường bây giờ là sân chơi của số ít những ông chủ nhà nghề chuyên chính. Còn lại, sa đà vào BĐS trong bối cảnh khó khăn hiện nay vốn đã không đem lại lợi nhuận mà còn bị "ăn" thêm vào đồng vốn, làm tuột mất cơ hội thể hiện mình ở lĩnh vực mới hay cản trở phát triển ở những ngành nghề chủ chốt, thế mạnh.

Hàng loạt phát ngôn của lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi về việc sẽ thoái lui, giảm dần mức độ phục thuộc vào BĐS và chuyển sang các lĩnh vực sản xuất dài hạn bền vững, đã khiến thị trường những ngày đầu năm 2012 xôn xao. Đáng kể là tuyên bố của đại gia đi lên từ nghề kinh doanh chế biến gỗ là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai khẳng định từ nay sẽ tập trung theo đuổi các lĩnh vực như cao su, thủy điện...

Mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt - ông Nguyễn Văn Đạt cũng tiết lộ sẽ dành thời gian tâm sức phát triển nông, lâm nghiệp. "Khó khăn của thị trường BĐS vừa qua giúp chúng tôi hiểu hơn rằng, nguồn thu BĐS không phải luôn ổn định" - vị lãnh đạo bộc bạch.

Dù ở thế chủ động hay bị động thì việc xoay xở, chuyển hướng tìm lối đi mới trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay cũng không dễ dàng, thuận lợi chút nào. Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ, linh đông tìm cách chuyển nghề cũng rơi vào vòng xoáy "phá sản" lần hai.

Câu chuyện của anh Tùng - GĐ một sàn BĐS tại khu vực Trung Hòa Nhân Chính là một ví dụ. Sàn BĐS của anh nằm ngay vị trí mặt đường, khu vực nhiều khách qua lại. Hoạt động cầm chừng một thời gian, anh Tùng chuyển hướng cải tạo thành quán café với tổng số vốn đầu tư gồm nội thất, âm thanh ánh sáng, tuyển chọn nhân viên... lên tới hơn 500 triệu đồng. Khai trương quán quán rầm rộ không bao lâu đã buộc phải đóng cửa vì quá vắng khách.

Anh Tùng chia sẻ, sai lầm khi nóng vội chuyển hướng từ BĐS sang quán café là chưa nắm rõ đối tượng khách hàng, trong khi quán của anh không có điểm nhấn gì nổi bật so với các quán xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều chi phí phát sinh chưa lường trước được. "Trong 36 kế thì "chuồn vẫn là thượng sách". Thời điểm này giải pháp đóng cửa chờ thời là tốt nhất" - anh ngậm ngùi.

Đồng cảnh ngộ, trang thương mại điện tử mua bán BĐS của một công ty ở quận Thanh Xuân cũng chính thức khai tử. Số là từ trang web của sàn giao dịch BĐS, lãnh đạo công ty này lại mạnh tay đầu tư mở rộng thêm bằng việc mở trang thương mại điện tử đa ngành nghề.

Nguồn doanh thu từ website chưa có, đã vậy mỗi tháng công ty phải chí phí tới hàng trăm triệu đồng để nuôi các trang. Nguồn vốn cạn kiệt, dự án đã kết thúc chóng vánh sau một năm mở ra. "Từ nhà đất chuyển sang ngành nghề khác để kinh doanh thành công không phải là điều dễ dàng nếu không có kinh nghiệm, quan hệ và đối tác tốt" - đại diện công ty thừa nhận.

Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Phạm Thế Hiển, để chuyển đổi hay mở rộng mô hình kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kĩ càng từ việc nghiên cứu tiền khả thi, chuẩn bị tài chính cũng như nhân sự. Nhiều doanh nghiệp BĐS đi lên từ môi giới hay nói cách khác là "cò", chưa được đào tạo bài bản về quản lý và kĩ năng kinh doanh nên sẽ gặp khó khăn khi chuyển hướng sang nghề mới.

Bên cạnh đó, BĐS là ngành kinh doanh đặc thù. Nếu chuyển sang các nghề có liên quan như tư vấn nhà đất, thiết kế nội thất, thi công, vật liệu xây dựng thì ít gặp nhiều rủi ro vì có thể tận dụng được cơ sở khách hàng. Còn kinh doanh một ngành nghề khác hẳn, nếu không chuẩn bị tốt về nhiều mặt, việc gặp rủi ro thậm chí phá sản là điều hoàn toàn có thể.

Theo Ng.Nga - D.Anh
Vef.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG