>> Các bị cáo đồng loạt phản đối cáo trạng
Lý do từ phía tòa là vụ án còn một số chứng cứ và cá nhân liên quan chưa được làm rõ: Khối lượng 108 m3 gỗ CA chưa chứng minh được Lê Văn Ngọc khai thác trước hay sau ngày 29/11/2005; khối lượng 596m3 gỗ do ai khai thác, khai thác khi nào, 287 cây gỗ bị chặt hạ do Viện KSND qui kết còn nhiều mâu thuẫn; hơn 140 m3 gỗ chưa đủ chứng cứ, chưa làm rõ; tổng số tiền thiệt hại hơn 600 triệu đồng chưa tính chi phí mở đường…
Vụ án này được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Gần 1.000 m3 gỗ rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ; sáu trong chín bị cáo là cựu quan chức từ huyện đến tỉnh đã ra tòa, chưa kể hàng chục người có liên quan là cán bộ. Trong quá trình xét xử, vụ án bộc lộ khá nhiều vấn đề chưa được giải đáp triệt để.
Việc tòa trả hồ sơ là đúng và đúng như dư luận nhận định. Tuy nhiên, theo cáo trạng của Viện KSND và ý kiến của HĐXX, lời khai của các bị cáo, thấy nổi lên hai vấn đề chưa được đề cập tại tòa.
Một, đây có phải vụ phá rừng có tổ chức? Đơn cử, ngày 11/1/2006, Kiểm lâm (KL) huyện Quế Sơn phát hiện 71,42 m3 bị triệt hạ trái phép, làm báo cáo gửi UBND huyện và KL tỉnh. Ngày 16/2, huyện chỉ đạo chuyển cho Cty Ngọc Sơn của Lê Văn Ngọc quản lý.
Tại cuộc họp ngày 15/3/2006 do Huyện chủ trì, có mặt Chi cục trưởng KL là ông Diệp Thanh Phong, số gỗ phi pháp trên đã thành hợp pháp, giao về cho chủ rừng là Huyện. Tại sao không khởi tố vụ án này? Ví dụ này nằm trong loạt những sai phạm, mà đằng sau, người ta thấy dấu hiệu thông đồng từ người khai thác đến người cấp phép. CA và Viện KSND khẳng định: Những người có trách nhiệm tại Sở NN&PTNT, Chi cục Lâm nghiệp biết khai thác sai nhưng vẫn ký.
Một điều nữa, con đường và thời gian đi của các giấy phép khai thác rừng sao quá nhanh, ngày hôm trước thảo công văn, tờ trình, hôm sau đã được phê duyệt, có chữ ký thẩm định của những người có trách nhiệm ngay, mà số lượng gỗ đến hàng trăm mét khối chứ không ít?
Người thảo tờ trình xin ký khai thác lần hai để phá thêm 131 ha gỗ lại là doanh nghiệp tư nhân Lê Văn Ngọc, được sự đồng ý của lãnh đạo Huyện, không cần chuyên viên có trách nhiệm nào cả.
Người trình cho Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Tấn Sơn ký duyệt hồ sơ thiết kế bổ sung lần hai, cũng là ông Ngọc theo như lời khai của ông Sơn. Con đường đi của văn thư hành chính thế này ư? Nếu xác định được phá rừng có tổ chức, chắc chắn tình tiết sẽ tăng nặng.
Hai, khi khám nhà Lê Văn Ngọc, CA thu giữ một cuốn sổ, trong đó ghi kín một trang giấy A4 những người được Ngọc đưa tiền, cao nhất là hơn 19 triệu đồng.
Một vị trong HĐXX cho biết: Có, nhưng điều tra không ra. Một quan chức tòa án tỉnh cho biết, Ngọc khai, danh sách trên chỉ là dự kiến, nếu hoàn thành sẽ đưa tiền đa tạ. Thua. Bởi chứng cứ không có, dại gì khai để mắc thêm tội đưa và nhận hối lộ.