Cô là một trong hàng trăm ngàn công nhân may mặc trên khắp châu Á đã bị cho nghỉ việc, theo thống kê của Hiệp hội Quyền lao động, một nhóm hoạt động vì quyền lao động. Nhiều người như Lwin đang phải vật lộn để tồn tại với chút phúc lợi xã hội ít ỏi, bị sa lầy trong nợ nần và lắm người hoàn toàn phải trông chờ những điểm cấp phát thực phẩm miễn phí để có cái ăn.
“Nếu tôi có việc làm và thu nhập, tôi có thể trả tiền chữa bệnh cho mẹ tôi”, Zarchi Lwin, 29 tuổi, nói với phóng viên Reuters trong căn nhà trọ tồi tàn ở thị trấn ngoại ô Yangon. Người mẹ 56 tuổi, ở cùng nhà với Lwin, bị bệnh phổi lâu năm. “Bây giờ không có thu nhập, không có việc làm”, cô nói, nước mắt lưng tròng. “Chúng tôi không biết làm gì”.
Next đã phải tạm thời đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Anh từ tháng 3 do coronavirus. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng họ chỉ hủy bỏ một số đơn đặt hàng và đang nỗ lực để đối xử “phải đạo” với các nhà cung cấp. KGG, nhà máy nơi Zarchi Lwin làm việc, đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Từ những năm 1960, châu Á đã phát triển thành công xưởng may mặc của cả thế giới, mỗi năm xuất khẩu khoảng 670 tỷ đô la quần áo, giày dép và túi xách tới châu Âu, Mỹ và các nước châu Á giàu có hơn, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Sau khi các cửa hàng không thiết yếu bị đóng cửa ở nhiều quốc gia và mọi người được yêu cầu ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, các nhà bán lẻ quốc tế như ASOS Plc hay New Look cho biết họ đã hủy đơn đặt hàng với các nhà sản xuất hàng may mặc. Các chủ nhà máy ở Myanmar, Bangladesh và Campuchia đã ngay lập tức đóng cửa hàng ngàn nhà máy và cho công nhân nghỉ việc với chút ít hỗ trợ hoặc thậm chí không trả tiền.
Các nhà bán lẻ thường đặt hàng trước ít nhất ba tháng trước và trả tiền cho sản phẩm khi giao hàng. Ban đầu, hầu hết các nhà bán lẻ đã hủy tất cả các đơn đặt hàng chưa thanh toán, nhưng nhiều công ty trong tháng 3 và tháng 4 đã có chút điều chỉnh sau khi có phản đối công khai, đồng ý thanh toán cho số hàng hóa đã được sản xuất hoặc đang sản xuất ở mức trung bình.
Để hoàn thành các đơn đặt hàng đang chờ xử lý, khoảng một nửa trong số 4.000 nhà máy may Bangladesh đã mở cửa trở lại. Những việc này cũng chỉ là tạm thời, chưa rõ sau khi các đơn hàng tồn đọng xử lý xong thì sẽ thế nào. Khoảng 150/600 nhà máy may ở Myanmar đã ngừng hoạt động, 200/600 nhà máy đóng cửa ở Campuchia.