Trà Vinh:

Đặc sắc trăm năm dừa sáp cùng di sản quốc gia

TP - Lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh tổ chức sự kiện đặc biệt - Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024. Sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị của dừa sáp và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu.
Đặc sắc trăm năm dừa sáp cùng di sản quốc gia ảnh 1
Những vườn dừa sáp bạt ngàn ở Cầu Kè, Trà Vinh

Sự kiện cũng nhằm tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tăng cường giao lưu, liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, kêu gọi đầu tư vào phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trăm năm dừa sáp

Năm 1924, sau khi hoàn thành khóa tu học tại Campuchia, Hòa thượng Thạch Sô trở về mang theo hai cây dừa sáp về trồng tại chùa Botumsakor (khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Đây cũng là lần đầu tiên mầm cây dừa sáp được trồng tại Việt Nam. Khi dừa cho trái, nhiều người biết đến đã xin giống về trồng. Tuy nhiên, không phải ai trồng cũng cho ra trái dừa sáp. Đây cũng là đặc điểm khác biệt của giống dừa này khi một số vùng trồng cho ra trái sáp trong khi vùng khác thì không. Và cũng “vô tình”, vùng đất Cầu Kè lại là nơi thích hợp cho loài cây sau này trở thành đặc sản của Trà Vinh.

Theo những người dân cố cựu ở địa phương, Hòa thượng Thạch Sô đã có công lao lớn khi đem giống dừa sáp đầu tiên về Việt Nam và giống dừa đặc biệt này đã được người dân chia sẻ và nhân rộng, giúp cho các phật tử và người dân ở địa phương được ổn định về kinh tế từ việc trồng cây dừa sáp.

Toàn huyện Cầu Kè có 2.034 hộ trồng dừa sáp với diện tích gần 1.150ha, sản lượng dừa sáp trung bình hàng năm trên 3 triệu trái. Hiệu quả kinh tế hàng năm tăng gấp 3-4 so với trồng dừa thường, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt người dân đồng bào dân tộc Khmer…

Đưa đặc sản Trà Vinh vươn xa

Ông Trần Phong Ba - Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết, thời gian qua huyện quy hoạch lại vùng chuyên trồng dừa sáp tập trung. Đồng thời, triển khai các nghị quyết của tỉnh về hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây dừa sáp…

Chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ về máy móc, thực hiện mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho các DN, HTX dừa sáp (hiện HTX dừa sáp Hòa Tân được chứng nhận VietGap, OCOP 4 sao, là 1 trong 12 HTX thí điểm mô hình HTX kiểu mới của tỉnh). Đặc biệt thời gian qua, từ trái dừa sáp, Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè đã cho ra đời 11 sản phẩm OCOP…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, thời gian tới địa phương tiếp tục hỗ trợ liên kết để có nguồn nguyên liệu ổn định cho các DN, HTX cũng như tạo đầu ra ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc Khmer. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu. Tập trung xây dựng dự án bảo tồn cây dừa sáp truyền thống để bảo vệ nguồn gen quý và xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng trồng dừa sáp. Địa phương hỗ trợ DN, HTX tiếp cận các nguồn vốn, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp cận thu mua dừa sáp trên địa bàn…

Đặc sắc trăm năm dừa sáp cùng di sản quốc gia ảnh 2
Đặc sản dừa sáp Trà Vinh

Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra từ 25-31/8 tại huyện Cầu Kè, với rất nhiều hoạt động như: Hội thảo về cây dừa sáp; Trưng bày đặc sản trái ngon; Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; Tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”; Công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL đưa Lễ hội Vu lan Thắng hội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hội chợ Thương mại; Không gian ẩm thực; Liên hoan lân sư rồng; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; tín ngưỡng thờ Ông Bổn...

Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở VH-TT&DL Trà Vinh cho biết, lễ khai mạc Festival diễn ra lúc 20 giờ ngày 25/8 tại Quảng trường huyện Cầu Kè, với chương trình sân khấu hóa tái hiện và tôn vinh vai trò và hình ảnh người nông dân gắn với cây dừa sáp; quảng bá các sản phẩm OCOP được chế biến từ nguyên liệu dừa sáp, giới thiệu tiềm năng du lịch; trao quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quả dừa sáp Trà Vinh. Lễ khai mạc có màn bắn pháo hoa nghệ thuật 15 phút.

Theo ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban Chỉ đạo Festival, tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè 2024 rất phong phú, hấp dẫn, là dịp để người dân trong và ngoài tỉnh được trải nghiệm vùng đất Cầu Kè nói riêng và Trà Vinh nói chung với nhiều đặc sản, độc đáo về văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh; là dịp để các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.