Đá và người

TP - Những buổi sáng sớm, hay một buổi hoàng hôn đẹp trời nào đó, tôi cùng Tuyền ngồi ngoài vườn, bên cái bàn gỗ hóa thạch rộng mênh mông, trên mặt đá phủ lớp rêu mỏng xanh rì cùng những thân cây non nhỏ xíu cộng sinh với lớp bụi đất gió mưa gieo xuống...

Đá

Tôi và Tuyền chơi với nhau không rõ từ bao giờ. Tôi hơn anh 2 tuổi, có hoàn cảnh khá giống nhau: Cha miền Trung tập kết, mẹ Hà Nội, sau 1975 cùng vào lại Đà Nẵng. Và còn giống nhau khá nhiều thứ, yêu mọi vẻ đẹp tự nhiên, hay mơ mộng, thú uống trà, và thời gian trước nữa là rượu. Tuyền ăn chay trường hơn chục năm nay, còn tôi ngần ấy năm cũng không rượu, dù cái tên Nguyễn Thanh Tuyền thuộc tốp đầu trong giới sưu tập sâm Ngọc Linh với những bình rượu sâm khủng hàng trăm năm tuổi, chỉ để ngắm chơi...

Nhưng tôi thích đến với đá của Tuyền hơn. Cả khu vườn đá trong con hẻm một đường phố trung tâm thành phố, mỗi lần tôi đến lại thấy được sắp xếp theo một trật tự khác. Toàn loại đá cổ tự nhiên cứng như kim cương, không hề có dấu tay can thiệp của con người. Nơi góc tường rêu lá phủ đầy này là khối đá tự nhiên mang hình hài chữ S của Tổ quốc. Kia là phiến đá đen vuông vức, khi tưới nước mặt đá bỗng hiện thành bức tranh thủy mạc lộng lẫy như được chạm khắc bằng những vụn vàng nguyên chất. Khối đá này cùng đá hình tượng Phật Quan âm trên đỉnh thác nước góc vườn kia là quà tặng của sư thầy chùa Lá ở Gò Vấp (Sài Gòn). Tuyền hào hứng kể về thầy Thích Nhuận Tâm đồng hương Quảng Nam, quen biết qua những chuyến thiện nguyện và triển lãm đá. Thầy nổi tiếng nghệ sĩ, với bao việc làm thiện tâm, dạy 5 ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên nghèo. Thầy cũng là người mê đá và chơi đá cảnh nổi tiếng, đặc biệt là bộ 12 con giáp độc bản bằng đá tự nhiên.

Rồi khi những nhành cây tán lá được vén lên, chợt sững lại khi bắt gặp chỗ này tượng nhân sư Ai Cập (Sphinx) bằng đá tự nhiên liền khối nửa trắng nửa đen, nơi kia cánh chim Thứu khổng lồ dang rộng đôi cánh như chỏm núi Linh Thứu nơi thánh địa Phật giáo Ấn Độ. Trên cao là khối đá tự nhiên dáng dấp mặt Kala, vị thần Thời gian trong tâm thức Champa. Gốc cây xù xì cao gần 3 mét hai người ôm, nửa gỗ nửa đá không biết từ kỷ nguyên nào. Riêng thác nước đá xếp chất chồng cao chục mét, phải dùng cẩu loại hàng chục tấn mới có thể sắp đặt. Phía ngoài cổng khu vườn, những khối đá lớn cũng quây quần tạo dáng như bầy thú, đại bàng, sói, rồng...

Đá và người  ảnh 1

Nguyễn Thanh Tuyền và bộ bàn gỗ hóa thạch độc bản Ảnh: Trần Tuấn

Tôi hình dung cảnh suốt 30 năm qua doanh nhân Nguyễn Thanh Tuyền say mê với đá. Công việc bận rộn, thế nhưng mỗi khi có dịp, hoặc kết hợp những lần đi công tác các vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên, từ cái thời thủy điện còn mới sơ khai, anh lại lặn lội xuống các lòng hồ thủy điện còn chưa kịp tích nước để tìm đá. Rồi bạn bè, người quen chỉ chỗ mua. Những khối gỗ hóa thạch được mua về từ các nước lân cận, như cái bàn gỗ hóa thạch dài tới 3 mét, rộng gần 2 mét phải dùng cẩu loại 30 tấn mới có thể nhấc lên. Thời ấy đang còn ở cái nhà cấp 4, như anh nói vui là “Trưởng phòng cuối cùng của MobiFone còn ở nhà cấp 4 tre pheo cọ trên mái tôn xào xạc”. Bởi có đồng nào là rót hết vào đá. Nên đá sưu tập về phải gửi tạm khắp nơi. Sau mua được mảnh vườn, mới lần lượt đưa về.

Đá và người  ảnh 2

Khối đá tự nhiên mang hình tượng của những động vật thời tiền sử

Ảnh: Trần Tuấn

Dạo quanh vườn đá độc bản, tôi chợt nhận ra rằng muốn chơi đá tự nhiên không phải chỉ có đam mê hay có tiền là được. Mà phải giàu sức quan sát và trí tưởng tượng bay bổng. Với Nguyễn Thanh Tuyền, đó cũng chính là kỹ năng không thể thiếu của một tay chơi sâm tự nhiên, phát hiện ra đủ hình thế độc lạ mang tính biểu tượng của những củ sâm cổ. Như khi tôi hình dung về những giọt nước ngàn, triệu năm nhỏ giọt xuống khối đá cứng như kim cương, tạo thành những khoảnh thiên trì (ao trời) tự nhiên nhỏ xíu, giờ đang chứa vũng nước mưa trong vắt cùng những cánh hoa Sala chín muồi vừa theo gió rụng xuống...

Người, và...

Nguyễn Thanh Tuyền hiện là Phó giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 3 địa bàn từ Quảng Trị đến Bình Định. Quê cha Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam), mẹ Hà Nội ở phố Mai Hắc Đế. Sau 1975 vào Đà Nẵng theo gia đình, năm 1988 ra Hà Nội học Đại học Ngoại thương. Năm 2015, đang là Phó giám đốc MobiFone miền Trung, theo điều động, anh khăn gói ra Hà Nội làm Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 1. Sau một nhiệm kỳ, anh xin về lại Đà Nẵng với nguyện vọng đơn giản “sắp xếp việc gì cũng được”. Để được về với đá...

Có hai điều mà Nguyễn Thanh Tuyền hết sức tâm đắc, xem đó là phương châm cho đời mình, đó là thái độ sống và giá trị sống. Anh kể một chuyện thời sinh viên từ hơn 30 năm trước. Giờ học hôm ấy, mùi từ phòng vệ sinh bên cạnh lớp học cứ xộc tới, không học nổi, cô giáo dạy môn Triết mới đặt vấn đề với lớp. Vậy là đám nam thanh nữ tú miễn cưỡng đứng lên tìm xô chổi sang dọn dẹp. “Không hiểu sao mình là đứa xung phong đầu tiên và cũng quét dọn hăng hái nhất, dù đó là phòng vệ sinh nữ. Cứ tự động vậy thôi, chả nghĩ ngợi gì nhiều. Trong khi đám bạn nhiều đứa chỉ đứng nhìn, thậm chí còn cười cợt chỉ trỏ...”.

Anh bảo, sau này đọc được câu chuyện về Dư Bành Niên từ người cọ toilet công cộng trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Trung Quốc, với câu nói nổi tiếng “nếu là người cọ rửa toilet thì phải là người cọ rửa toilet sạch nhất Hồng Kông”. Rồi chiêm nghiệm, rằng khi thực hiện một công việc dù là nhỏ nhất, thậm chí những việc bị người khác coi thường, thì đó cũng chính là sự thể hiện thái độ của mình. Cho dù có những thời điểm với bản thân giá trị công việc không lớn, những việc chỉ thoáng qua, nhưng nó rèn luyện, hun đúc nên giá trị sống đầy tự tin và tâm huyết cho mỗi con người, để có thể đạt đến những điều lớn lao hơn. Có lẽ vì thế anh thường xuyên đi training về văn hóa doanh nghiệp, truyền lửa về thái độ và giá trị sống cho nhân viên trong hệ thống.

Buổi chiều ngồi ăn cốm uống trà trong vườn, tôi để ý ngôi nhà luôn mở cửa, nhiều người tự nhiên ra vào. Thì ra từ gần chục năm nay, phía sau vườn vợ anh mở trường mầm non Minh Tâm (Trường mầm non giáo dục nhân cách Minh Tâm) hướng theo tinh thần của hệ thống giáo dục Khai Minh Đức. Trường có khoảng 5-6 lớp, chú trọng dạy các cháu về hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, hướng đến trở thành những con người có trí tuệ, mạnh mẽ, dũng cảm và kiên nhẫn... Nhà dành riêng hai tầng làm nơi ở miễn phí cho những gia đình giáo viên ở xa, khó khăn, đánh sẵn cả chục bộ chìa khóa, luôn mở cửa ai đến ai đi thoải mái. Có những gia đình ở hàng mấy năm. Mấy năm COVID-19 trường vẫn trả lương cho giáo viên dù phải đóng cửa để chống dịch...

Cả chiếc xe ô tô Matiz nhỏ xíu Nguyễn Thanh Tuyền đang đi, anh bảo thường để sẵn chìa khóa trong xe, ai có việc cần thì cứ lấy đi. Cuộc sống cứ thể, nhẹ nhõm, thanh thản...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.