Chợ có hơn 20 sạp hàng. Đá quý bày biện đơn giản trên các bàn gỗ, không hề che đậy. Người bán chủ yếu là phụ nữ trung tuổi
Chợ bán cả hai loại là đá đã gia công và đá thô vừa khai thác từ các bãi. Đá đã gia công được mài theo kiểu cabochon (mài nhẵn) hoặc facetted (mài cạnh) để làm mặt nhẫn, hoa tai, dây chuyền...
Người đến chợ chủ yếu là dân trong nghề đá quen biết nhau. Việc mua bán không ồn ào, mà đơn giản như mớ rau, con cá.
Một loại thạch anh tóc được bán ở chợ. Từ trường của thạch anh tóc cao hơn thạch anh thường, do vậy giá cả cũng cao hơn. Bà chủ chuyên bán thạch anh ở chợ này còn sở hữu vài viên thạch anh ngũ sắc được đánh giá cao.
Dù thế, đắt giá nhất vẫn là những viên ruby hồng xa xỉ. Một viên nhỏ, chất lượng vừa phải để làm mặt nhẫn, mặt dây chuyền cũng có giá vài triệu. Ruby đỏ vụn còn được mua với giá 2 triệu đồng/kg để làm tranh đá quý.
Mỗi người đến chợ đều mang theo một chiếc đèn pin nhỏ để kiểm tra đá. Viên đá được đánh giá đẹp là độ đậm của màu sắc, độ trong và không bị xước.
Người mua thường soi rất kỹ để tìm ra góc nào viên đá cho màu sắc đẹp nhất, từ đó mới ước lượng giá cả.
Những phu khai thác đá quý thường không thấy hết giá trị của viên đá mình tìm được. Trong khi những ông chủ đá quý thấy được vẻ đẹp độc nhất đằng sau lớp vỏ xù xì. Vậy nên ở chợ này không hiếm các câu chuyện từ một viên đá vài trăm nghìn đồng, qua tay người nọ, người kia có thể lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
Việc mua bán diễn ra hết sức hạn chế, song đã thành thông lệ chợ vẫn họp mỗi ngày. Bởi lẽ, người bán, người mua đến chợ còn để nghe ngóng, trao đổi. Những phi vụ kinh doanh đá quý lớn thường diễn ra trong thế giới ngầm
Bao nhiêu năm tồn tại, chợ đá quý còn trở thành một nét độc đáo với khách du lịch gần xa. Vị khách nước ngoài này mua một viên ruby với giá 2 triệu đồng.
Từ đá quý, tranh đá quý Lục Yên cũng đi khắp miền đất nước. Bao nhiêu năm qua, người Lục Yên có thêm nghề giã đá để sống.