Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa

Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa
TP - "Xóa bỏ độc quyền trong in SGK vào thời điểm này là hợp lý, vì điều này không những phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường mà còn đảm bảo quyền cạnh tranh trong kinh doanh...", Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ bày tỏ.
Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa ảnh 1
Học sinh và phụ huynh lựa chọn mua sách ngữ văn lớp 10 tại nhà sách - Ảnh: Tuổi Trẻ

Hội đồng cạnh tranh (HĐCT) được thành lập theo Luật Cạnh tranh bắt đầu có quy chế hoạt động trong tháng 8 này.

Hôm qua, 7/8, Chủ tịch HĐCT, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi về nội dung hoạt động của HĐCT, ông Ruệ nói:

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, HĐCT chỉ xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh (chống độc quyền) như:

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Riêng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền điều tra, xử lý của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại).

Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa ảnh 2
trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ

Vừa qua, đã xuất hiện một số vụ vướng mắc có liên quan đến độc quyền như: kết nối giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) hay vụ VN Airlines liên tục giảm giá một số đường bay nội địa khiến cho Pacific không thể “cầm cự”, trong khi chính VNA cũng đang bị lỗ với một số đường bay nói trên... một lần nữa cho thấy chống độc quyền là không dễ, thưa ông?

Ở nước ta, hiện vẫn còn một số ngành và lĩnh vực tồn tại độc quyền Nhà nước như: viễn thông, hàng không, điện lực...

Vào thời điểm này, Luật Cạnh tranh đã có hiệu lực cho phép các cơ quan chức năng có thêm công cụ để kiểm soát độc quyền nhằm hạn chế hiện tượng cửa quyền, lũng đoạn và độc quyền doanh nghiệp...

Như vậy, nếu các bên liên quan như EVN Telecom, Pacific, nếu thấy lợi ích của mình bị xâm phạm có thể chủ động gửi đơn khiếu nại cùng các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) để cơ quan này có cơ sở tiến hành điều tra xác định rõ hành vi vi phạm và mức độ vi phạm.

Cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, cùng với quá trình gia nhập WTO và mở cửa thị trường, sẽ xuất hiện những Cty đa quốc gia hoạt động ở VN. Những Cty này, với sức mạnh kinh tế “khổng lồ” của mình, có khả năng sẽ nhanh chóng tạo lập được vị thế của mình trên thị trường VN.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội địa VN với tiềm lực hạn chế, cần đoàn kết và cạnh tranh lành mạnh với nhau để có thể chống chọi với làn sóng các Cty đa quốc gia, các tập đoàn nước ngoài hơn là cạnh tranh để triệt hạ lẫn nhau trên thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng chống độc quyền in sách giáo khoa (SGK) của Nhà xuất bản giáo dục (NXBGD) còn khó hơn cả việc xóa độc quyền của VNPT, ông nghĩ sao?

Theo tôi được biết, cơ chế độc quyền in SGK của NXBGD đã tồn tại hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều Cty in trong nước có thể đảm đương được việc này.

Do đó, việc xóa bỏ độc quyền trong in SGK vào thời điểm này là hợp lý, vì điều này không những phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường mà còn đảm bảo quyền cạnh tranh trong kinh doanh theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Hơn nữa, việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sách có thể cao hơn, giá cả hợp lý hơn, và quan trọng ở đây người tiêu dùng lại là các học sinh.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2005, việc in và phát hành SGK là một trong những nội dung quản lý về giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý. Vì vậy, việc quyết định bãi bỏ cơ chế độc quyền đối với lĩnh vực này hay không sẽ do Bộ GD&ĐT xem xét và quyết định.

Về phía HĐCT, trong thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và trên hết là duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG