> Làm nông thôn mới phải giúp dân giàu hơn
Theo ông Nguyễn Công Soái, tại Hà Nội, trong 3 năm qua có 424 trường hợp người dân đóng góp từ 100 triệu đến 6 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2013 dù kinh tế rất khó khăn nhưng đã có trên 200 hộ dân đóng góp từ 150 triệu đồng trở lên, nhiều người đã đóng góp 2-3 tỷ đồng cho Chương trình nông thôn mới.
Sau dồn điền, đổi thửa dư ra 1.100 ha đất tương đương 11.000 tỷ đồng (tính theo giá đền bù giải phóng mặt bằng). Theo thống kê của Thành phố Hà Nội, đến nay đã đầu tư hơn 16 ngàn tỷ đồng cho nông thôn mới.
Thành công lớn nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đó là công tác chỉ đạo của thành phố. Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã có một chương riêng về phát triển nông nghiệp, nông thôn mới. Thành phố đã có 3 chương trình về nông thôn ngoại thành...
Hà Nội đã chọn trọng tâm, trọng điểm và riêng năm 2012 đã hoàn thành quy hoạch của hơn 401 xã, chỉ đạo hoàn thành xã điểm từ đó để các địa phương tham quan, học tập. Cũng theo ông Soái, dồn điền đổi thửa không phải là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng hết sức quan trọng để tạo ra sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Hà Nội đã thành công ở khâu khó nhất là dồn điền đổi thửa. Từ chỗ hộ nông dân có 5-7 thửa, thậm chí 30 thửa thì nay chỉ còn 1-2 thửa, tạo điều kiện cho bà con nông dân tích tụ được ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Có nơi trước đây trồng sắn thu nhập thấp thì nay chuyển sang trồng cam Canh, bưởi Diễn cho thu nhập cao. Mỗi năm thành phố đã giảm 1-2% hộ nghèo.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hoá đạt 87%, trạm y tế được kiên cố hóa đạt 100%. |