Đã có cơ chế xem xét án oan sai

Đã có cơ chế xem xét án oan sai
TP - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) sáng 25-11, các đại biểu Quốc hội (ĐB) tập trung mổ xẻ việc sửa đổi, bổ sung điều 284, 288 về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có vi phạm pháp luật, cơ chế kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

>> Khốn cùng vì án oan sai

Liên quan việc xem xét lại các quyết định của hội đồng thẩm phán về việc giám đốc thẩm, tái thẩm, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng (TP.Hải Dương) cho biết: Vấn đề này đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng lâu nay vẫn tồn tại 2 quan điểm: Một là việc xét xử đến giai đoạn nào thì phải dừng chứ không thể kéo dài mãi vụ án. Do đó, đến hội đồng thẩm phán là phải kết thúc, dù việc đó là sai. Quan điểm thứ hai là đã có sai là phải có sửa.

“Chúng ta không thể thấy việc rõ ràng sai, thiệt hại cho công dân mà lại bảo đến đó là dừng. Dự thảo chấp nhận quan điểm thứ hai - tức là có sai thì phải sửa” - ông Vượng tán thành dự luật.

Vị trưởng Ban Dân nguyện đề nghị: “Tuy nhiên, trình tự, thủ tục phải chặt chẽ. Chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Tư pháp giám sát thấy có vấn đề sai, lúc đó mới tiến hành thủ tục để TAND tối cao xem xét lại bản án, quyết định đó”.

Bước lùi?

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, việc xét xử án dân sự những năm gần đây diễn biến phức tạp: số lượng án kháng nghị bị cải sửa, hủy tăng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều (đơn khiếu nại án dân sự chiếm hơn 60%). Riêng năm 2010, có 1.140 vụ được xem xét, giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó 1.094 vụ bị hủy bản án, quyết định.

“Ngoài nguyên nhân chủ quan, còn do một số quy định của Bộ Luật TTDS 2003 chưa phù hợp, ví dụ nghĩa vụ chứng minh, xuất trình chứng cứ của đương sự; hay việc hạn chế quyền tham gia phiên tòa của kiểm sát viên”- ĐB Hoa nói.

Bàn về vai trò viện kiểm sát (VKS) trong phiên tòa dân sự, có ý kiến đề nghị tăng cường vai trò của tổ chức này. Nhưng ĐB Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang) cho rằng, bản chất của việc dân sự cốt ở đôi bên và tòa án như trung gian hòa giải. Nay xuất hiện thêm VKS với việc xét hỏi, nhận định nội dung vụ án thì chắc chắn sẽ có bên thiệt thòi, bên hưởng lợi từ ý kiến của VKS, ảnh hưởng đến phán quyết của tòa.

Vì lẽ đó, Quốc hội Khóa XI đã đặt Bộ Luật TTDS trong bối cảnh là giảm dần sự tham gia tố tụng dân sự của VKS. “Bây giờ dự thảo luật sửa đổi đảo ngược vấn đề, để VKS tham gia tất cả các vụ án. Điều đó không có gì mới, nhưng sẽ gây nhiều thắc mắc, phải chăng đây là một bước thụt lùi hay thỏa hiệp nào đó?”- ĐB Loan nhìn nhận.

ĐB Phan Quốc Anh (Đồng Nai) nói: “VKS có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án có đúng pháp luật hay không. Không phải VKS đi sâu vào từng vụ án chi tiết, nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia. Dự thảo Luật TTDS đã sửa chuyện đó, tôi tán thành”. Trong khi đó, một số ĐB cho rằng để VKS tham gia như dự thảo, e sẽ phải tăng biên chế và không biết VKS có đảm đương nổi không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.