Vành tai mới được tạo từ sụn sườn tự thân |
Đã có 21 bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh không có vành tai được phẫu thuật tạo hình vành tai mới có khung bằng sụn sườn tự thân. Bệnh nhân nhỏ nhất mới 10 tuổi và lớn nhất là 26 tuổi. Số bệnh nhân trải qua ba lần phẫu thuật chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 42 phần trăm. Có ba bệnh nhân đến để phẫu thuật lần thứ tư với mục đích loại trừ tóc ở bờ vành tai.
Tuy nhiên, bác sĩ Xuân Anh cho biết đây là vấn đề tương đối khó giải quyết trong kỹ thuật tạo hình vành tai. Đã có nhiều phương pháp được đưa ra nhưng chưa có phương pháp nào tối ưu. Vì vậy theo bác sĩ Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Bỏng- Tạo hình, việc chọn vị trí đặt vành tai và phá chân tóc ban đầu là yếu tố quan trọng để hạn chế tóc mọc ở vành tai sau này. Với 10 trường hợp mọc tóc ở bờ vành tai, các bác sĩ xử trí bằng cách cắt bỏ dần dần da vùng có tóc.
Dị tật không có vành tai gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của bệnh nhân, nhất là trẻ em ở giai đoạn phát triển về ý thức, bắt đầu nhận thức về mình so với mọi người xung quanh. Với những trẻ bị tật ở mắt như cận thị, viễn thị, nếu không có vành tai sẽ không thể đeo được kính. Người không có vành tai cũng không thể thực hiện việc đơn giản như đeo khẩu trang mỗi lần ra ngoài môi trường bụi, gió rét…
Tạo hình toàn bộ vành tai cho những trường hợp dị tật khuyết vành tai là một trong những thách thức lớn nhất của phẫu thuật viên tạo hình. Vành tai được cấu tạo bởi một khung sụn được cuốn lại tinh tế, nằm trong túi da mềm mại và bền vững. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên cần có những hiểu biết về điêu khắc để có thể tạo lên khung sụn vành tai phù hợp trước khi bao phủ lớp da tương ứng để tạo lên vành tai mới.
Trước đây, để tạo nên khung vành tai, người ta thường dùng chất liệu như silicon, silastic, sụn sườn đồng loại nhưng không đảm bảo mảnh ghép lâu dài, thường bị đào thải và lộ ra rìa vành tai hoặc tự tiêu, gây biến dạng vành tai. Vì vậy, chất liệu tốt nhất là dùng sụn sườn tự thân.
Dưới hướng dẫn của chuyên gia Hiramoto Michiaki (Bệnh viện Saiseikai Nakatsu, Nhật Bản), các bác sĩ khoa Bỏng - Tạo hình (Bệnh viện Đà Nẵng) lấy hai đoạn sụn sườn số 6 và 7, đủ dài và to, để thiết kế khung vành tai mà không làm ảnh hưởng đến khung sụn toàn thân và ít gây biến chứng thủng vào xoang màng phổi. Hai đoạn sụn sườn được chẻ mảnh ra để thiết kế khung vành tai mà không lấy nguyên cả mảng sụn để vết mổ nhỏ và diện khuyết sụn không lớn, không liên tục.
Thoải mái, dù chưa hoàn hảo
Theo BS Hùng, tạo hình vành tai cần thực hiện sớm (trên sáu tuổi) khi điều kiện sức khỏe bệnh nhân, điều kiện gây mê hồi sức và kinh nghiệm phẫu thuật viên, cho phép. Chi phí cho phẫu thuật tạo vành tai mới khoảng hơn 10 triệu đồng. |
Vùng da cần để bóc tách đặt khung vành tai vào thường kèm theo tóc nên phải phá chân tóc trước khi đặt khung để hạn chế số tóc mọc ở bờ vành tai. Lần phẫu thuật thứ hai cách lần đầu khoảng ba tháng. Thường bệnh nhân phải trải qua hai hoặc ba lần phẫu thuật để tạo khung vành tai, cố định khung cùng da bọc bên ngoài, rồi tách và dựng vành tai. Cuối cùng là chỉnh sửa cho đẹp hơn, tạo hình các phần phụ như dái tai, nắp tai… loại bỏ tóc ở bờ vành tai.
Trong số 21 bệnh nhân được tạo hình vành tai mới có 14 bệnh nhân đến tái khám. Kết quả vành tai mới đều đảm bảo về chức năng, bệnh nhân đều tự tin, thoải mái với vành tai mới, không có trường hợp nào lộ sụn thứ phát, đau, đổi màu da…
Kết quả thu được đáng mừng nhất là tất cả bệnh nhân đều tự tin, thoải mái với vành tai mới dù chưa được hoàn hảo như mong muốn. Theo các nghiên cứu trên thế giới các vành tai được tạo hình theo kỹ thuật này, nếu bị chấn thương, diễn tiến lành vết thương cũng như vành tai bình thường.