Ngày 25/12, BVĐK Vùng Tây Nguyên cho biết, vừa cấp cứu thành công một cụ bà 99 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Đó là cụ Nguyễn Thị K. (SN 1924, trú xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất mà bệnh viện này tiếp nhận, điều trị liên quan đến tim mạch.
Trước đó, tối 24/12, cụ bà được chuyển đến BVĐK Vùng Tây Nguyên trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở. Cụ K. có tiền sử bị tiểu đường, huyết áp cao, sức khỏe yếu. Ngay khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cụ bị nhồi máu cơ tim cấp nên tiến hành hồi sức huyết động, đặt stent động mạch vành. Cụ K. đã qua cơn nguy kịch, đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị.
Bác sĩ Cù Nhật Quý, kiểm tra tình trạng sức khỏe của cụ bà |
Bà Bùi Thị Kim (con gái cụ K.) cho hay, khi mẹ bị đau ngực dữ dội, gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Sau đó, cụ được chuyển lên BVĐK Vùng Tây Nguyên.
“Các bác sĩ tiếp nhận và xử lý bệnh tình cho mẹ tôi rất nhanh. Sau khi cấp cứu, đặt stent mạch vành, sức khỏe của mẹ đã ổn, tôi rất biết ơn các bác sĩ”, bà Kim nói và cho biết mẹ bị bệnh tim mạch đã nhiều năm. Mỗi khi cụ gặp các vấn đề liên quan sức khoẻ, gia đình đưa lên BVĐK Vùng Tây Nguyên khám, nếu nặng phải chuyển xuống bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.
Ekip trong lúc can thiệp cấp cứu bệnh nhân bị tim mạch |
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Cù Nhật Quý (Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, BVĐK Vùng Tây Nguyên) cho biết, trong 3 ngày qua, khoa đã cấp cứu thành công 10 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Trong đó, ca lớn tuổi nhất là cụ bà Nguyễn Thị K.; trẻ nhất bệnh nhân nam 37 tuổi. Người này cũng vào viện trong tình trạng đau ngực nhiều, khó thở… Sau khi được phẫu thuật, đặt stent động mạch vành, bệnh nhân đã ổn định. Theo bác sĩ, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tái khám theo định kỳ chuyên khoa can thiệp tim mạch, duy trì uống thuốc liên tục để điều trị các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu...). Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh phải ngưng hút thuốc lá và không sử dụng chất kích thích như rượu, bia…
Trong 3 ngày, bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu thành công 10 trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp |
Theo bác sĩ Lê Thành Tâm, Phụ trách Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, chi phí can thiệp các bệnh liên quan đến các bệnh tim mạch nặng rất lớn. Một ca can thiệp nếu không có bảo hiểm y tế sẽ tốn từ 80-100 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Chưa kể, bệnh diễn biến rất nhanh, nếu qua “thời gian vàng” cấp cứu, sẽ bị suy tim, tăng tỉ lệ tử vong, giảm chất lượng cuộc sống và tăng chi phí điều trị, áp lực rất lớn với bệnh nhân nghèo.
Hình ảnh động mạch vành bị hẹp nặng |
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đăng Giáp - Phó Giám đốc BVĐK Vùng Tây Nguyên, quá trình tiếp nhận, thăm khám, hội chẩn và tiến hành can thiệp động mạch vành cấp cứu đã được các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch thực hiện rất khẩn trương nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Hiện Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch được đầu tư trang thiết bị (máy chụp mạch số hóa xóa nền, máy siêu âm tim qua thực quản, bóng đối xung…) để điều trị các bệnh (nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp chậm cần đặt máy tạo nhịp…) mà không phải chuyển đi nơi khác.