Cựu đại tá Biên phòng dẫn mối cho nữ doanh nhân nhập xăng lậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cựu Đại tá Biên phòng đã giới thiệu cho nữ bị cáo có quan hệ thân thiết với mình tiếp cận với các đầu nậu phân phối xăng lậu để được mua xăng giá rẻ rồi về bán và phân phối cho các khách hàng khác tiếp tục bán buôn.

Ngày 9/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng. HĐXX đã xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thị Hương trong việc mua bán, tiêu thụ nguồn xăng nhập lậu.

Cựu đại tá Biên phòng dẫn mối cho nữ doanh nhân nhập xăng lậu ảnh 1

Bị cáo Phạm Thị Hương


Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thị Hương là Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình (Công ty Thanh Bình), ngành nghề kinh doanh bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Công ty có trụ sở tại số 679 Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM).

Đầu năm 2020, thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Thế Anh (nguyên Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), "ông trùm" Phan Thanh Hữu đã đồng ý và chỉ đạo bị cáo Nguyễn Hữu Tứ bán xăng nhập lậu của Hữu và Tứ tại kho Nam Phong cho bị cáo Phạm Thị Hương.

Khi cần mua xăng nhập lậu, bị cáo Hương nhắn tin cho bị cáo Nguyễn Hữu Tứ với nội dung ngày nhận, biển số xe, số lượng xăng cần mua. Sau khi được Tứ xác nhận giá chiết khấu, Hương điều động xe đến kho Nam Phong (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vận chuyển xăng đưa về các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Hương trên địa bàn quận Gò Vấp, quận Bình Tân, Quận 12 (TPHCM) và bán lại cho các khách hàng khác để kiếm lời.

Theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Phạm Thị Hương chuyển tiền thanh toán mua xăng vào tài khoản của Tứ hoặc tài khoản của Phan Lê Hoàng Anh (con của bị cáo Phan Thanh Hữu), hoặc Phan Lê Hoàng Anh trực tiếp đến cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Hương để nhận tiền mặt.

Từ đầu tháng 3/2020 đến đầu tháng 2/2021, bị cáo Phạm Thị Hương đã đến kho Nam Phong mua xăng Ron 95 nhập lậu của Nguyễn Hữu Tứ để đưa về bán với tổng số lượng hơn 7,9 triệu lít và tổng trị giá hàng phạm pháp gần 102 tỷ đồng. thu lợi bất chính số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, gia đình Hương đã tự nguyện nộp thay cho bị cáo số tiền 3 tỷ đồng và bị cáo này đồng ý sử dụng số tiền 150 triệu đồng Cơ quan điều tra thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở để khắc phục một phần hậu quả số tiền thu lợi bất chính.

Trả lời HĐXX về hành vi phạm tội, bị cáo Hương cho biết, năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình hình kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có doanh thu. Sau đó, bị cáo nhờ có người quen giới thiệu cho nguồn xăng ở kho Nam Phong giá tốt (xăng lậu) để mua.

Bị cáo Hương cũng thừa nhận người giới thiệu cho bị cáo "nguồn xăng giá rẻ" là cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, người có mối quan hệ bạn bè với bị cáo.

Chủ tọa phiên toà bất ngờ hỏi bị cáo Hương về lời khai là có con chung với Nguyễn Thế Anh. Bị cáo Hương xin phép không trả lời với lý do "đây là mối quan hệ cá nhân".

Bị cáo Hương còn khai nhận sau khi được Nguyễn Thế Anh giới thiệu nguồn xăng giá rẻ, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ đã gọi điện liên lạc với Hương, từ đó mối quan hệ mua bán xăng giữa Hương và Tứ diễn ra.

Một thời gian sau, bị cáo Tứ giới thiệu cho Phạm Thị Hương gặp bị cáo Lê Thanh Trung (Công ty cổ phần Nhiên liệu Tây Nam Bộ SFT) để trực tiếp giao dịch, nhận xăng từ Trung. Bị cáo Hương thanh toán tiền cho bị cáo Nguyễn Hữu Tứ và Phan Lê Hoàng Anh theo chỉ đạo của Tứ.

Trước toà, bị cáo Hương xác định bản thân nhận thức được hành vi phạm tội và xin được khoan hồng

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.