Cựu CSGT kêu giang hồ đánh chết người vi phạm tiếp tục hầu tòa

Cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như (áo đen đứng hàng đầu) tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Tân Châu
Cựu CSGT Phạm Sỹ Hoài Như (áo đen đứng hàng đầu) tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Tân Châu
TPO - Sáng nay (20/3), TAND TPHCM mở phiên xử sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ cảnh sát giao thông (CSGT) gọi giang hồ đánh chết người vi phạm xảy ra tại quận Tân Bình, TPHCM vào năm 2014.

Trong phần thủ tục tư pháp, chủ tọa thẩm phán Lê Kim Loan công bố Quyết định đưa vụ án ra xét xử, qua đó ngoài 5 bị cáo là Phạm Sỹ Hoài Như (CSGT CA quận Tân Bình), Nguyễn Minh Chung (SN1991), Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997), Trần Đức Vững (sinh năm 1996) và Ngô Thành Vương (SN 1996) cùng tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999. HĐXX cũng triệu tập 6 người là bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Các luật sư bào chữa, trong đó Phạm Sỹ Hoài Như có hai luật sư là Bùi Quang Nghiêm và Lý Trung Dũng (cùng Đoàn Ls TPHCM).

Trong phần làm thủ tục, HĐXX nhận thấy thiếu luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Ls TPHCM, bảo vệ quyền lợi cho bị hại) nên nhiều lần yêu cầu bị hại có ý kiến về trường hợp Ls vắng mặt này. Bị hại cho rằng Ls tạm vắng mặt nên chấp nhận xét xử.

Sau khi hội ý nhanh, HĐXX cho phiên tòa tiếp tục với phần đại diện Viện KSND TPHCM giữ công tố tại tòa công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, khoảng 21h30 ngày 25/6/2014, tổ tuần tra CSGT - Công an quận Tân Bình gồm 7 thành viên do Thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình  Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng đứng chốt trước đài tưởng niệm liệt sĩ (giao lộ ngã tư Trường Chinh và Tân Kỳ - Tân Quý, phường 13, quận Tân Bình).

Đến 22h20 cùng ngày, tổ tuần tra phát hiện anh Nguyễn Văn Chín (ngụ quận Gò Vấp) điều khiển xe mô tô có biểu hiện sử dụng rượu bia nên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của anh Chín là 0,943mg/lít khí thở, vượt quá quy định nên CSGT đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện nhưng anh Chín không đồng ý ký tên vào biên bản mà còn cự cãi. Thượng úy Như đến giải thích và đề nghị anh Chín chấp hành việc lập biên bản nhưng anh Chín vẫn tiếp tục cự cãi và lớn tiếng với tổ công tác.

Phạm Sỹ Hoài Như điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (ngụ TPHCM là người quen của Như) yêu cầu tới hỗ trợ. Sau khi nhận được điện thoại của Như, Chung gọi thêm Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững (cùng ngụ TPHCM) đến đánh anh Chín. Anh Chín được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện 2 ngày sau.

Cáo trạng của VKS nêu rằng, giám định pháp y kết luận, nguyên nhân cái chết của anh Chín là do chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non, suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày…

Hành vi phạm tội của CSGT Phạm Sỹ Hoài Như theo VKS là “có tính chất côn đồ” và VKS truy cứu Phạm Sỹ Hoài Như cùng 4 bị cùng tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999.

Đây là lần mở tòa sơ thẩm thứ hai, trước đó TAND TPHCM từng tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như 12 năm tù, 4 bị cáo khác bị tuyên từ 5 năm – 12 năm tù, cùng tội danh như cáo trạng lần này. Sau án sơ thẩm, tháng 9/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì  cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xác định tư cách người tham gia tố tụng chưa phù hợp quy định pháp luật. Tiếp đó, Cơ quan điều tra KLĐT và VKS ban hành cáo trạng như nêu trên.

Sau khi sự việc xảy ra Phạm Sỹ Hoài Như bị tước danh hiệu Công an nhân dân. Tháng 11/2014 bị bắt tạm giam, ngày 13/2/2015 được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú, đến ngày 28/12/2017 bị bắt tạm giam cho đến nay.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".