>> Trung Quốc: Tập đoàn sữa Tam Lộc bị phá sản
Đại diện tòa án ngày 26/12 thông báo Tòa án Nhân dân trung thẩm thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc), nơi Tam Lộc đặt trụ sở chính, sẽ bắt đầu xét xử bà Điền Ôn Hoa, cựu Chủ tịch Tập đoàn Tam Lộc, vào ngày 31/12 tới. Các luật sư cho biết chiểu theo luật hình sự Trung Quốc, bị cáo có thể phải chịu khung hình phạt từ 10 năm tù giam đến tử hình.
Cùng ngày 26/12, Tòa án Thạch Gia Trang đã mở phiên xét xử một cựu Giám đốc sản xuất của Tam Lộc cùng một chủ phân phối sữa liên quan vụ "sữa bẩn". Hai người này bị buộc tội pha chế và bán trái phép loại "bột prô-tê-in" mà trên thực tế là loại bột chủ yếu gồm melamine và mạch nha để tăng hàm lượng đạm giả tạo.
Cảnh sát cho biết đã phát hiện xưởng sản xuất trái phép loại bột trên, do hai người này làm chủ, ở ngoại ô thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Đây là nguồn cung cấp melamine lớn nhất ở Trung Quốc. Chỉ trong vòng một năm, từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2008, cơ sở này đã sản xuất hơn 600 tấn bột prô-tê-in giả.
Vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine bị phát giác hồi tháng 9 vừa qua, khi hàng loạt trẻ em Trung Quốc phải vào viện do sạn thận và sỏi đường tiết niệu do uống các loại sữa nhiễm độc.
Tam Lộc là công ty đầu tiên bị phát hiện có hàng loạt sản phẩm nhiễm melamine với hàm lượng cao, tiếp đó một loạt công ty sữa hàng đầu của Trung Quốc, như Mông Ngưu (Meng Niu) và Y Lợi (Yli) cũng bị đưa vào "danh sách đen" này.
Tập đoàn Tam Lộc đã bị buộc đình chỉ sản xuất từ ngày 12/9 và phải chi 902 triệu nhân dân tệ (hơn 130 triệu USD) trả tiền viện phí cho các em nhỏ bị bệnh vì uống sữa nhiễm melamine của hãng này. Tập đoàn này đã đệ đơn xin phá sản và được tòa án chấp nhận ngày 24/12 vừa qua.
Theo TTXVN