Cần thu hồi triệt để
Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm, thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2019. Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, trong năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, “không dừng, không nghỉ, không chùng xuống”, cũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Mặc dù vậy, Chính phủ đánh giá, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiệm vụ được Chính phủ đề ra trong thời gian tới, là kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy. Đồng thời kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Chính phủ nhấn mạnh đến việc tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, điểm nổi bật trong xử lý tội phạm tham nhũng là, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Trong đó, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn.
Ủy ban Tư pháp đánh giá, các cơ quan tư pháp tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng về cho nhà nước. Theo bà Lê Thị Nga, thời gian qua, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử với hình phạt nghiêm khắc, điển hình như: Vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm phạm tội đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Phan Văn Anh Vũ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Nhận hối lộ 3 triệu USD, thu hồi ra sao?
Đề cập việc thu hồi tài sản và tội phạm tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vụ án Mobifone mua AVG. Trong vụ việc này, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD, nhưng chỉ nộp lại có 500 triệu đồng. “Không biết bao giờ mới thu hồi được số tài sản này? Việc kê biên, đóng tài sản của những người phạm tội còn chậm, tạo cơ hội cho đối tượng tẩu tán tài sản. Từ rất nhiều năm chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này rồi, nhưng xử lý chưa tốt, dẫn đến thất thoát tài sản”, ông Thanh nhìn nhận.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn về tình trạng bị can bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Trên diễn đàn Quốc hội đã đề cập nhiều đến việc này, rồi vừa qua ở TPHCM lại tái diễn, đối tượng bỏ trốn, cơ quan chức năng lại phải truy nã. “Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, trong khi việc xử lý đối tượng bỏ trốn rất phức tạp, tốn kém”, ông Thanh đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, phòng chống tham nhũng thời gian qua làm rất hiệu quả, thậm chí có người còn đánh giá “làm mấy năm qua mà bằng cả mấy nhiệm kỳ”. Tuy nhiên, theo ông Việt, để làm được như vậy, để có được lòng tin trong nhân dân như thế phải có “quyết tâm cao và mất mát lớn”. Bởi đấu tranh với tội phạm tham nhũng rất “cân não”, không hề đơn giản.
“Tôi gặp anh em làm nhiều vụ án rất phức tạp, có những án tày đình, nhưng vẫn làm rất chính xác, hiệu quả, dân rất tin. Trước đây chúng ta không có được lòng tin như bây giờ. Chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”, vấn đề này chúng ta đã nói nhiều rồi, nhưng đến bây giờ mới thành hiện thực”, ông Việt chia sẻ.
Địa phương bị vô hiệu hóa?
Đề cập đến án tham nhũng, ông Lê Minh Trí cho rằng, kết quả điều tra, truy tố xét xử thời gian gầy đây đã có những chuyển biến tốt hơn, được nhân dân tin tưởng ủng hộ, nhưng cũng có cái khó riêng. Theo ông, thời gian gần đây chúng ta chỉ xử lý các tội danh liên quan yếu tố kinh tế, lợi dụng chức vụ, còn tham nhũng rất ít, chủ yếu do yếu tố chiếm đoạt, còn yếu tố vụ lợi thì không dễ chứng minh.
“Gần đây chúng ta đã làm được nhưng cũng hết sức khó khăn. Như vụ việc vừa qua mà đại biểu vừa đề cập, nhận nhiều triệu USD nhưng chỉ nộp lại có 500 triệu đồng. Họ nhận tiền rồi người khác giữ, không chịu trả, nên phải tiếp tục đấu tranh, có lộ trình và phải chặt chẽ. Lúc đưa tiền thì đưa tay, không có chứng cứ giấy tờ gì. Muốn lấy lại tài sản ấy cũng phải theo quy định pháp luật, nóng ruột nhưng phải chặt chẽ, đảm bảo quyền con người, nhưng cũng đảm bảo mục tiêu đề ra”, ông Trí nêu.
Đáng lưu ý, theo Viện trưởng Trí, thực tế nhiều vụ án nếu để ở địa phương thì 1, 2 nhiệm kỳ cũng không thể làm được. Nên các cơ quan đã thống nhất, nếu dưới không làm được thì chuyển lên trung ương. Thực tế cho thấy các vụ án mà Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo làm rất hiệu quả. Ông ví dụ, vụ gian lận thi cử ở Sơn La, tỉnh chỉ điều tra ra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng khi chuyển về trung ương, cơ quan điều tra, VKSND Tối cao đang xem xét điều về để điều tra tội “đưa nhận hối lộ”, khởi tố bổ sung thêm 7 đối tượng.
“Trong thực tế, rất khó khăn để địa phương điều tra án tham nhũng thành công, hầu như không làm được. Ở dưới địa phương tham nhũng dính đến cán bộ, mà cán bộ không phải nhỏ, muốn điều tra buộc phải điều lên trên này mới làm được. Với “những vụ to, nếu không bắt, đối tượng không bao giờ nhận”, ông Trí nhấn mạnh.